Định hướng nghề nghiệp: Khuyến khích tiếp cận công nghệ cao

Định hướng nghề nghiệp: Khuyến khích tiếp cận công nghệ cao
Định hướng nghề nghiệp là việc xác định những nghề cụ thể để các em học sinh yêu thích lựa chọn và tham gia. Định hướng nghề cũng cần phải được xác định là phù hợp với sở trường, năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, hướng các em học sinh chọn nghề trong tương lai phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Hướng nghiệp từ nhà trường

Từ năm 1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126-CP về công tác Hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng hợp lý học sinh các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường. Quyết định này được coi là một dấu mốc quan trọng để hướng nghiệp chính thức được coi là hoạt động có trong các nội dung giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Theo Quyết định số 126-CP, công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm mục đích bồi dưỡng, hướng dẫn việc chọn nghề của học sinh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội đồng thời phù hợp với năng khiếu cá nhân. Công tác hướng nghiệp ở các trường gồm các nhiệm vụ: Giáo dục thái độ lao động đúng đắn; Tổ chức cho học sinh thực tập làm quen với một số nghề; Tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp nhất; Động viên hướng dẫn học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần lao động trẻ tuổi có văn hóa.

Cho đến nay, những ảnh hưởng to lớn từ xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đã đặt ra những yêu cầu mới trong việc đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh. Dịch chuyển cơ cấu lao động sẽ đưa tỷ trọng công nghiệp hóa và dịch vụ tăng lên, trong khi đó tỷ trọng lao động nông nghiệp ngày càng giảm đi. Sẽ có hàng triệu con em nông dân rời xa ruộng đất để tham gia vào các ngành nghề phi nông nghiệp.

Các nghề nông nghiệp cũng phát triển theo hướng hiện đại hóa, nông nghiệp công nghệ cao, làm xuất hiện các nghề mới và các yêu cầu trình độ cao, giảm bớt nhân lực trực tiếp và nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn đang là một vấn đề quan trọng được đặt ra cùng với công tác hướng nghiệp cho học sinh nói chung hiện nay.

Đặt thứ tự ưu tiên lựa chọn ngành nghề

Đây được xem là một bước đầu quan trọng trong định hướng nghề. Người chọn nghề cần phải nắm được các thông tin cần thiết về yêu cầu của nghề đặt ra đối với người lao động, đồng thời nắm được những thông tin dự báo nghề nghiệp của thị trường lao động. Thiếu một trong hai loại thông tin này, việc định hướng nghề sẽ sai lệch và không thể chọn được nghề phù hợp.

Theo phân tích của chuyên gia, nếu chỉ chọn nghề theo cảm tính nhất thời mà không có những hiểu biết về nghề, sẽ rất dễ dẫn đến một sự lựa chọn sai lầm, nghề không phù hợp với năng lực bản thân. Mỗi người đều có một năng lực riêng, muốn thành công cần có sự phù hợp giữa năng lực bản thân với yêu cầu kỹ năng nghề. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, để có được việc làm thích hợp, người chọn nghề còn phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động.

Với người làm công tác hướng nghiệp cho học sinh, cần giới thiệu những nghề đang cần nhiều nhân lực và dự báo ngành nghề trong tương lai. Trước hết là những nghề phát triển nhanh ngay tại địa phương học sinh cư trú. Đồng thời, người hướng nghiệp cần phải tìm hiểu thật tỉ mỉ và tư vấn chi tiết các yêu cầu của nghề nghiệp như: Trình độ học vấn, sức khỏe, tác phong và đạo đức, những kỹ năng cần thiết, những yếu tố mà nghề nghiệp không chấp nhận...

Xu thế lao động toàn cầu hóa đòi hỏi người lao động tính năng động và sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, đi vào nền kinh tế tri thức, hầu hết các lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: Tự động hóa, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Vật liệu mới... đã và đang phát triển mạnh mẽ trên nền tảng công nghệ thông tin. Hướng phát triển các ngành nghề sản xuất công nghệ cao đang đóng một vai trò quyết định trong phát triển công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Anh Quang/ Giáo dục thời đại