Định hướng nghiên cứu, phát triển ngành rong biển
- Chủ nhật - 23/09/2018 09:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ việc tập trung chỉ đạo công tác hợp tác nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, năm 1993, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) bắt đầu đưa rong sụn trồng thử nghiệm trong các ao tôm ở thôn Tân An, xã Tri Hải (Ninh Hải). Sau đó, những nghiên cứu kỹ thuật trồng như: Dây đơn căng trên đáy trồng; giàn căng trên đáy vùng nước cạn; giàn phao nổi vùng nước cạn, vùng nước sâu được áp dụng rộng rãi ở vùng biển xã Thanh Hải (Ninh Hải), Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) đưa lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương, nhất là tạo sinh kế giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Kết quả từ hợp tác nghiên cứu cho thấy tỉnh ta có 2 vụ trồng rong sụn phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ nước biển, hướng gió chính và khu vực sản xuất. Vào mùa mát từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ nước biển thấp hơn 30oC và được an toàn dưới hoạt động sóng mạnh của hướng gió Đông - Bắc là mùa sản xuất chính. Vào mùa nắng gió từ tháng 4 đến tháng 9, hoạt động sóng mạnh của hướng gió Tây - Nam, việc trồng rong sụn chỉ thực hiện được ở vùng biển thuộc địa bàn thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh.
Nghiên cứu thành công khung lịch thời vụ đã giúp người dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với từng thời điểm, từ đó tạo ra khối lượng sản phẩm rong sụn lớn, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường. Hiện nay, có tới 40% sản phẩm rong tươi chế biến thành rong trắng dành cho thực phẩm được bán rộng khắp trong cả nước, đưa nghề rong sụn phát triển lên tầm cao mới, sản xuất theo chuỗi, tạo ra giá trị gia tăng. Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên theo TS. Trần Mai Đức, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, việc nghiên cứu phục vụ sản xuất rong sụn thời gian qua cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ ban đầu. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào chi tiết cụ thể về số loại rong biển kinh tế ở Ninh Thuận, sản lượng mỗi loài có thể khai thác hiệu quả nhất và đảm bảo bào tử phóng thích, phát triển cây con cho mùa vụ kế tiếp. Những nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi rong biển trước đây không tiến hành tất cả các thủy vực ven biển, các số liệu không còn phù hợp với hiện tại trước sự tác động của ô nhiễm môi trường, sự thay đổi trạng thái địa chất ven bờ. Trong khi đó, có thực tế khó khăn hiện nay là nguồn lợi rong biển bị khai thác quá mức, làm sản lượng giảm sút nghiêm trọng, chưa có giải pháp khắc phục.
Qua phân tích về tính cấp thiết trên, TS. Trần Mai Đức đề xuất hướng nghiên cứu, phát triển ngành rong biển ở Ninh Thuận thời gian tới cần phải đi sâu vào đánh giá hiện trạng nguồn lợi, đặc điểm sinh học, mùa vụ sinh sản, các loài kinh tế, cũng như phương pháp khai thác với mục tiêu đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ, góp phần vào chương trình phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Đối với rong nho có giá trị kinh tế cao mới đưa vào trồng chủ yếu ở quanh khu vực Đầm Nại, hướng nghiên cứu nên tập trung vào hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đặc biệt là sử dụng quy trình kỹ thuật rong nho tách nước với giải pháp công nghệ tiên tiến có thể bảo quản 6 tháng trong môi trường tự nhiên, 12 tháng trong môi trường lạnh. Xây dựng tiêu chuẩn và thương hiệu cho sản phẩm rong nho tươi Ninh Thuận để tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng đối tượng rong sụn, cần có những nghiên cứu chuỗi công nghệ mang tính hệ thống để giải quyết vấn đề chủ động nguồn giống tốt.