Chi hội trưởng chi hội nông dân bị vợ giận vì có tí “chức”

Đó là chuyện có thật của anh Đặng Đình Thọ - Chi hội trưởng Chi hội nông dân (ND) thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Vợ giận vì có tý “chức”

Gọi là “chức” cho oai, chứ thực ra anh Thọ chỉ là được hội viên nông dân của thôn Vĩnh Trung bầu là Chi hội trưởng chi hội ND. “Chức” này không có lương, và là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ngày anh mới được bầu làm chi hội trưởng, vợ anh Thọ  rất giận, bởi chị lo rằng, bao công việc chăm sóc con cái, lao động sản xuất ngoài ruộng, vườn một tay chị phải cáng đáng.

 chi hoi truong chi hoi nong dan bi vo gian vi co ti “chuc” hinh anh 1

Anh Đặng Đình Thọ thường xuyên tìm kiếm thông tin, kiến thức mới trên báo NTNN.
Ảnh: Công Tâm

Anh Đặng Đình Thọ rất tâm huyết với công tác hội, không ngại khó, ngại khổ. Anh đã góp phần đáng kể xây dựng thành công các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn thịt, nuôi gà đệm lót sinh học, trồng các loại cây ăn quả ở địa phương…”.

Ông Nguyễn Văn Yên – Chủ tịch Hội ND xã Cam An Nam, 
huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

 

 

Anh Đặng Đình Thọ bộc bạch: “Đó là thời điểm năm 2004. Vợ tui nghĩ, cái chức chi hội trưởng không có quyền lợi, lại mắc hay đi, lấy tiền nhà đổ xăng xe chạy công chuyện chi hội. Các năm sau, tuy vợ có bớt giận, nhưng nhiều lúc vẫn phàn nàn. Đặc biệt vào mùa sản xuất và thu hoạch mía, mì rất cần bàn tay mạnh mẽ của người đàn ông thì có hôm tôi lại mắc công chuyện của Hội…”.

Rất nhiều lần vợ khuyên anh Thọ rằng, việc nhà bề bộn, gia cảnh lại khó khăn, anh nên nghỉ “chức” chi hội trưởng ND để lo việc nhà. Một mặt anh Thọ thuyết phục vợ, mặt khác cố gắng chu toàn việc nhà, việc Hội mà việc quan trọng là tìm kiếm mô hình hay để mang về áp dụng tại quê hương.

Mang cách làm hay về thôn

Nhận thấy tại địa phương cái nghèo cứ đeo bám nhiều hộ. Bà con trồng cây mía, cây mì (sắn) với kỹ thuật còn lạc hậu nên năng suất, thu nhập thấp. Trăn trở nhiều đêm, anh Thọ quyết định tìm hiểu các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng tại địa phương mình. Dấu ấn đầu tiên là anh đưa mô hình trồng kiệu, trồng dưa hấu, chăn nuôi lợn thịt từ các địa phương khác về tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Riêng các cây mía, mì, anh vận động người dân chăm bón đúng kỹ thuật kết hợp với tưới nước tiết kiệm để tăng năng suất.

Anh Nguyễn Xuân Thịnh (35 tuổi, ở thôn Vĩnh Trung) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 1,5ha mía và mì theo cách truyền thống nên năng suất và thu nhập rất bấp bênh. Kể từ khi được chi hội tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa hấu và cây kiệu, thu nhập khá hẳn lên, lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/năm…”.

Năm 2016 anh Thọ đã đứng ra vận động 37 hộ dân bàn giao mặt bằng để xây dựng kênh mương dẫn nước về phục vụ sản xuất cho người dân trong thôn. Hiện nay, anh đang tiếp tục thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ, với diện tích gần 3ha, vườn thanh long đang phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Anh khoe: “Vợ của tôi bây giờ đã hết giận rồi, vì tôi đi đâu người dân trong thôn cũng quý mến…”.

Bằng tâm huyết, nhiệt tình của mình, anh Thọ đã đưa phong trào thi đua của chi hội Vĩnh Trung đi lên. Liên tục từ năm 2013 đến nay, năm nào chi hội cũng được khen thưởng. Năm 2016, Vĩnh Trung được bình chọn danh hiệu chi hội vững mạnh.  

Theo Công Tâm/Dân Việt