'Độ' thuốc trừ cỏ, chiêu gian lận nguy hại!

'Độ' thuốc trừ cỏ, chiêu gian lận nguy hại!
Thuốc trừ cỏ “độ” là từ mà giới kinh doanh thuốc BVTV gần đây thường rỉ tai nhau để nói tới những loại thuốc trừ cỏ được trộn thêm một hoạt chất thuốc trừ cỏ khác (chưa được đăng ký) vào một sản phẩm thuốc trừ cỏ nhằm tăng hiệu quả diệt trừ.
Thuốc trừ cỏ đang trở thành vấn nạn lớn tại các vùng trồng ngô tại Sơn La

Thuốc có tác dụng diệt trừ cỏ càng cao, nông dân càng chuộng và sử dụng càng nhiều.  

Thuốc cỏ, “thuốc lười”!

Sơn La, vựa ngô của cả nước, nơi mà Báo NNVN những năm gần đây đã từng có nhiều loạt bài viết về tình trạng sử dụng vô tội vạ thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ. Dù những năm gần đây, tỉnh Sơn La cũng đã có nhiều biện pháp, chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ, tuy nhiên, đây vẫn là vấn nạn còn rất nhiều nhức nhối.

Anh Lò Văn Phái, một chủ đại lý kinh doanh hỗn hợp các loại vật tư nông nghiệp (trong đó có thuốc BVTV các loại) ở bản Chặm Cẳng, trung tâm xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn) kể rằng: Thực tế, thuốc trừ cỏ mới chỉ có mặt ở Chiềng Sung 2 - 3 năm trở lại đây, nhưng nó lan nhanh như một cơn lốc.

Ban đầu, chỉ có một vài sản phẩm dạng gói nhỏ. Các loại thuốc trừ cỏ thời gian đầu được tiếp thị của các hãng đưa vào các đại lí ở Chiềng Sung hầu hết hiệu quả trừ cỏ không cao, đa số chỉ diệt được các loại cỏ lá rộng, chứ các loại cỏ lan, cỏ chỉ cứng đầu thì chỉ bị khô héo lá, gặp mưa thì rễ lại mọc lại. Tuy nhiên 1 - 2 năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc trừ cỏ mới, được đóng hộp, rất được người dân ưa chuộng vì đã phun một lần thì cả vụ không có loại cỏ gì có thể mọc lại.

Thuốc hiệu quả càng cao, dân càng thích, sử dụng càng nhiều. Bản thân gia đình anh Phái, gieo 100kg ngô giống, mỗi vụ trung bình phải dùng tới 4 kiện thuốc trừ cỏ (mỗi kiện 20 hộp, loại mỗi hộp 400g, tương đương 4 bình bơm 18 - 20 lít), tương đương 240 bình thuốc mới đủ phun cho khoảng 5ha ngô. Chỉ nguyên đi phun thuốc trừ cỏ, cũng đã mất từ 7 đến 10 ngày ròng rã.

Anh Phái không ngần ngại tiết lộ: Hiện nay, các đại lý ở Chiềng Sung thường bán tới 7 - 8 loại thuốc trừ cỏ, nhưng dân trồng ngô chuộng nhất vẫn loại thuốc trừ cỏ đóng hộp nhựa mà nông dân ở đây vẫn hay gọi là thuốc trừ cỏ “đê-trúc” (Destruc 800 WP).

17-46-57_2
Mẫu sản phẩm Destruc 800 WP (đóng trong hộp nhựa) mà PV NNVN gửi phân tích
Trước đây, một số loại thuốc trừ cỏ chỉ khiến bộ lá, thân bị chết, nhưng gốc, rễ vẫn còn sống, gặp mưa cỏ vẫn mọc lại nên ruộng ngô vẫn có cỏ để giữ ẩm, giữ nước ở mức nhất định. Tuy nhiên với loại thuốc trừ cỏ nội hấp đang được người dân ưa chuộng hiện nay, cỏ bị chết, thối rữa cả bộ rễ, nên ruộng ngô gần như trơ đất, không còn cây cỏ nào. Thế nên hiện nay ở các vùng trồng ngô ở Sơn La, trời mới mưa nhẹ, những con suối đã sùng sục nước bùn đất đục ngầu tuôn từ các nương ngô xuống. Một chuyên gia trong lĩnh vực BVTV ái ngại: Lâu nay, quan điểm để phát triển nông nghiệp bền vững, là chỉ “quản lí cỏ dại”, chứ không phải “tiêu diệt cỏ dại” như hiện nay.

Chỉ sau vài năm thuốc trừ cỏ xâm nhập vào Chiềng Sung, nhưng anh Phái ước tính năm 2018, chỉ riêng đại lý của anh đã bán hết vèo 300 - 400 kiện thuốc trừ cỏ nhãn hiệu Destruc 800 WP, tương đương khoảng hơn 3 tấn. Ở Chiềng Sung, hiện có 3 - 4 đại lí bán thuốc BVTV nữa, nếu tính cả các loại thuốc trừ cỏ khác, tổng lượng thuốc trừ cỏ các loại đổ xuống những đồi ngô ở Chiềng Sung không biết bao nhiêu mà kể.

“Trước đây chưa có thuốc trừ cỏ, hộ nào cũng phải quần quật đi dọn rẫy, đốt rẫy, lúc ngô lớn cỡ đầu gối phải cuốc cỏ cả tháng liên tục. Bây giờ thì chẳng cần nữa, phun thuốc một lần là chơi cả vụ, thành ra dân trong bản cứ như lười đi” - chị Cà Thị Điện, một hộ dân gieo 80kg ngô giống ở bản Chặm Cẳng (xã Chiềng Sung) thú thực.  

“Đê trúc” có gì, mà dân chuộng thế!?

Bản Cáp Na, xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) nằm cheo leo trên đỉnh núi, với gần 100 hộ dân chuyên trồng ngô. Chúng tôi tới nhà ông Lường Văn Chiến (bản Nà Bó) lúc còn giữa buổi sáng, đã thấy ông với người hàng xóm lè khè uống rượu. Ông bảo trước đây, ra Tết, đã phải lên nương phát dọn cỏ, chờ nắng lên thì đốt rẫy chuẩn bị tra ngô.

Bây giờ, việc ấy đã có thuốc trừ cỏ lo hết, cứ phun một lượt, 7 - 10 ngày sau cỏ gì cũng khô cong như rơm rạ, châm lửa đốt một lượt là xong. Vài ba năm về trước, từ lúc cây ngô lớn gần đầu gối, tới lúc chắc hạt, dân bản phải 2 - 3 đợt rẫy cỏ. Bây giờ chỉ cần đầu vụ, lúc cây ngô mọc cỡ gang tay, cỏ dại mọc 1 - 2cm thì phun thuốc trừ một lượt là chơi cả vụ, thành ra dân bản đâm nhàn!

Hộ ông Chiến gieo gần 80kg ngô giống, thì vụ ngô năm ngoái, dùng hết những 2 kiện thuốc trừ cỏ, tốn gần 3 triệu đồng, tất tần tật cứ xuống chủ đầu tư HC ở dưới trung tâm xã khuân về, cuối vụ mới trừ vào ngô.

Một chủ đại lý thuốc BVTV ở xã Nà Bó quả quyết rằng: Chẳng có gì lãi hơn bán thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ. Phân bón, gạo, mang tiếng chất đầy cả kho, nhưng lời lãi chả được bao nhiêu, trong khi chỉ cần bán được vài ba trăm kiện thuốc trừ cỏ/vụ, thì đã ăn to!

Một lượng thuốc trừ cỏ khổng lồ đang rải xuống những nương ngô ở Sơn La

Vị này tiết lộ: Kể từ khi người ta cấm loại “cỏ cháy” (thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất 2,4 D và Paraquat), nhân viên tiếp thị các hãng thuốc BVTV chào hàng đại lý rất nhiều loại thuốc trừ cỏ “chết chậm” (nội hấp) khác nhau, nhưng được chuộng nhất vẫn là thuốc trừ cỏ “đê trúc” loại đóng hộp nhựa (Destruc 800 WP) và một sản phẩm nữa cũng dạng đóng hộp tương tự của một “ông lớn” trong ngành kinh doanh thuốc BVTV tại phía Bắc (xin được giấu tên).

Sở dĩ nó được dân ưa chuộng, bởi hiệu quả diệt cỏ tuyệt vời. Thứ thuốc ấy phun cho ruộng ngô vài ngày, các loại cỏ lá rộng, cho tới cỏ lan, cỏ chỉ gì cũng héo dần, sau 7 - 10 ngày thì ngấm cả vào rễ, vào thân, cỏ chết trắng bệch, thối cả rễ, cả năm không phải làm cỏ lần nào.

Cũng theo vị này tiết lộ, trước đây, cũng đã từng có sản phẩm thuốc trừ cỏ mang tên Destruc 800 WP, nhưng được đóng gói (phổ biến là loại gói 500g/gói). Tuy nhiên, nó không được nông dân ưa chuộng bằng loại mới đóng bằng hộp nhựa hiện nay. Điểm khác biệt là mặc dù cùng có tên hoạt chất đăng ký trên bao bì là Atrazine, hàm lượng 800g/kg (phụ gia 200g/kg); tuy nhiên, giá bán giữa sản phẩm Destruc 800 WP dạng đóng trong hộp nhựa và loại đóng gói lại khác nhau một trời một vực.

Theo các đại lí tiết lộ, giá bán (bán lẻ) đối với sản phẩm Destruc 800 WP dạng đóng gói 500g/gói hiện chỉ có 60 - 65 nghìn đồng/gói; tuy nhiên sản phẩm Destruc 800 WP dạng đóng hộp, chỉ có 400g/hộp lại có giá tới hơn 100 nghìn đồng/hộp.

Kết quả phân tích mẫu của PV NNVN cho thấy, sản phẩm Destruc 800 WP không chỉ có hoạt chất Atrazine như đăng ký trên nhãn, mà còn có cả hoạt chất khác được pha trộn thêm là Mesotrione

Theo bao bì sản phẩm thuốc trừ cỏ Destruc 800 WP, sản phẩm do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI (số 2, ngõ 192, phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đăng ký, nhập khẩu và phân phối. Sản phẩm được đăng ký trừ cỏ hại ngô.

Nhằm kiểm chứng về sản phẩm thuốc trừ cỏ Destruc 800 WP, PV NNVN đã thu thập một số mẫu sản phẩm (loại đóng hộp nhựa, 400g/hộp) được bán tại thị trường tỉnh Sơn La, gửi phân tích tại Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc (thuộc Cục BVTV). Kết quả phân tích đối với mẫu sản phẩm (thuộc lô sản phẩm ghi trên nhãn hộp ngày SX 24/10/2017) cho thấy: Trong sản phẩm này không chỉ có hoạt chất Atrazine như đăng ký và ghi nhãn trên bao bì sản phẩm, mà còn có cả hoạt chất thuốc trừ cỏ Mesotrione với hàm lượng lên tới 35,4g/kg.

Cuối năm 2018, Thanh tra Bộ NN-PTNT từng công bố một số thông tin về phát hiện một số sản phẩm thuốc trừ cỏ được các đơn vị kinh doanh thuốc BVTV tự ý thêm vào các hoạt chất chưa được đăng ký.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) lúc đó đã cảnh báo, lo ngại về thực trạng này.

Theo ông Dũng, đây thực chất là một chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh thuốc trừ cỏ. Theo đó, mục đích của việc thêm hoạt chất chưa được đăng ký vào một sản phẩm thuốc trừ cỏ là nhằm tăng hiệu quả diệt trừ cỏ để bán sản phẩm chạy hơn. Tuy nhiên, điều này có thể gây nên những tác hại vô cùng khôn lường.

Vì sao những Cty kinh doanh thuốc BVTV lại thêm hoạt chất chưa được đăng ký vào sản phẩm (dù điều này theo lý thuyết sẽ làm tăng thêm chi phí SX)? Hành vi này có thể gây nên những nguy cơ, hệ lụy gì? Chế tài xử lí đối với những hành vi này ra sao?... Những vấn đề này cần được cơ quan quản lý chuyên ngành nhanh chóng làm rõ.

LÊ BỀN/ Nông nghiệp