Doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào dự án nuôi lợn ở Việt Nam
- Thứ tư - 05/09/2018 06:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dưới sự chủ trì của Đại sứ quán Đan Mạch, chiều 5/9, 6 công ty Đan Mạch đã kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tân Long của Việt Nam, ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Đan Mạch vào việc sản xuất, chế biến lúa gạo và chăn nuôi lợn tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp của Đan Mạch đều có thế mạnh cung cấp công nghệ, giải pháp trong các lĩnh vực: trang thiết bị chăn nuôi lợn, xử lý ngũ cốc, giải pháp sản xuất thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ... Trong khi đó, Tập đoàn Tân Long của Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh nông sản. Công ty đang hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo và chăn nuôi lợn tại Việt Nam và Myanmar.
Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Skiold sẽ tư vấn, thiết kế và cung cấp thiết bị phục vụ chăn nuôi lợn và giải pháp trọn gói cho nhà máy chế biến gạo sạch. Munters sẽ cung cấp giải pháp thông gió cho tất cả các dự án chăn nuôi lợn của Tân Long. Công ty DanBred và Vilomix sẽ cung cấp lợn giống cũng như các giải pháp dinh dưỡng tối ưu nhất cho các dự án chăn nuôi lợn của Tân Long tại Myanmar và Việt Nam. Công ty Tornordic và nhà thầu phụ Haarslev sẽ xây dựng và lắp đặt một nhà máy giết mổ và chế biến thành phẩm và nhà máy bột thịt xương.
Với sự hợp tác cùng các doanh nghiệp Đan Mạch, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng công suất của nhà máy làm sạch, sấy khô và lưu trữ lúa gạo từ 120.000 tấn lên tới 240.000 tấn - lớn nhất Việt Nam; cũng như ứng dụng triết lý 3F về chuỗi giá trị trong chăn nuôi của Đan Mạch vào Việt Nam, đó là quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường truy xuất nguồn gốc.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cách tổ chức sản xuất như hiện nay khiến giá thịt lợn lên xuống thất thường, khó kiểm soát. Việt Nam có đến 3 triệu hộ chăn nuôi lợn, số lượng đứng thứ 4 thế giới nhưng năng suất chỉ đứng thứ 6.
"Nếu có công nghệ của Đan Mạch đưa vào thì Việt Nam có thể thành cường quốc chăn nuôi lợn. Cần hình thành những tập đoàn sản xuất quy mô lớn như Tân Long đứng đầu và có 6 doanh nghiệp Đan Mạch cùng hợp tác, có những trang trại vệ tinh, hợp tác xã, nông hộ lớn sản xuất theo đơn đặt hàng. Sản xuất theo chuỗi liên kết như thế sẽ giúp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, cân đối cung cầu", ông Dương nhận định.
"Đan Mạch và Việt Nam có bề dày hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ xử lý giống cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, năng lượng... Phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm luôn là trung tâm của sự hợp tác song phương giữa 2 quốc gia", đại sứ Đan Mạch Kim Hojlund Christensen cho hay.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược này thể hiện quan hệ đối tác thương mại trong lĩnh vực chăn nuôi - một hợp phần trong Hiệp định Đối tác toàn diện được kí kết giữa Việt Nam và Đan Mạch năm 2013.