Doanh nghiệp IT Việt nhắm đến đổi mới nông nghiệp
- Thứ năm - 29/01/2015 03:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo số liệu năm 2013, 68% trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam là nông dân. Trong năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 617 nghìn tỷ đồng (28,8 tỷ USD), tăng 2,9% so với năm trước.
Trong năm nay, chính phủ Việt Nam có kế hoạch rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp, thủy sản được coi là những vấn đề lớn. Các công ty của Nhật Bản cũng bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp nông nghiệp của Việt Nam. Trong tháng 12/2014, hãng sản xuất thiết bị nông nghiệp Yanmar của Nhật đã thành lập một chi nhánh tại thành phồ Hồ Chí Minh.
FPT, một doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam, đã hợp tác với Fujitsu của Nhật Bản để phát triển công nghệ trồng trọt trong nhà kính trên cơ sở những lợi thế của dữ liệu và cảm biến. FPT sẽ xây dựng một nhà kính tại Hà Nội vào tháng Tư để thử nghiệm, tìm hiểu các điều kiện canh tác hiệu quả bằng cách thu thập các dữ liệu như nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính cũng như giờ của ánh sáng mặt trời và các dữ liệu khác.
Tại Nhật Bản, trong năm 2012, Fujitsu đã giới thiệu hệ thống canh tác dựa trên điện toán đám mây Akisai. Hệ thống này giúp nông dân tăng gấp đôi sản lượng cây trồng. FPT sẽ thử nghiệm trong vòng một năm và bắt đầu cung cấp dịch vụ cho các nông dân vào đầu năm 2016. Dịch vụ này bao gồm các cảm biến, một mạng cục bộ (LAN), dữ liệu và bảo trì. Mạng LAN giúp nông dân vận hành nhà kính từ xa. Điều này sẽ giúp người nông dân tại Việt Nam có thể canh tác trên quy mô lớn.
Viettel cũng đã giới thiệu "Agri.One", một dịch vụ thông tin có trả phí cho nông dân. Người sử dụng dịch vụ sau khi đăng ký sẽ nhận được các tin nhắn ngắn, thường xuyên về tình hình sâu bệnh, thời tiết, công nghệ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và giá nông sản trên thị trường.
Hiện Viettel đã cung cấp dịch vụ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Long An, Cần Thơ. Trong năm nay, Viettel sẽ bổ sung 11 tỉnh nữa vào danh sách hỗ trợ. Dịch vụ này hiện có giá 500 đồng/ ngày. Viettel không công bố số lượng khách hàng đã đăng ký dịch vụ nhưng cho biết số lượng người dùng đang ngày càng tăng bởi mức giá của dịch vụ khá hợp lý.
Viettel cũng đang tích lũy những thông tin do người nông dân cung cấp trong cơ sở dữ liệu của mình để tăng cường khả năng cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng.
Một công IT khác của Việt Nam là Hà Nội Electronics, hay còn gọi là Hanel, cũng đang cân nhắc việc bán nông sản trực tuyến và thiết bị tự động hóa canh tác nông nghiệp.
Chìa khóa của sự phát triển canh tác nông nghiệp dựa trên IT tại Việt Nam chính là sự cân bằng giữa đầu tư IT và mức giá của các sản phẩm nông nghiệp. Hiện Việt Nam chỉ sản xuất được rất ít nông sản cao cấp. Nếu được đầu tư IT và các công nghệ canh tác tiên tiến, người nông dân Việt Nam có thể tạo ra các nông sản chất lượng cao, sản lượng lớn đem lại lợi nhuận cho chính họ lẫn các nhà đầu tư IT.
Theo Nikkei