Doanh nghiệp cần được giúp sức khi tham gia TPP

Doanh nghiệp cần được giúp sức khi tham gia TPP
Ngày 21-8, tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức toạ đàm “Cập nhật đàm phán và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), những yêu cầu từ ngành dệt may, da giày và nông nghiệp".

Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại hội thảo, có hai luồng quan điểm nhìn nhận về sự dịch chuyển đầu tư khi Việt Nam tham gia TPP. Nhiều ý kiến lo ngại TPP sẽ chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp FDI, vì doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh trong các lĩnh vực không đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, sự tham gia của các DN FDI không chỉ tạo ra việc làm cho người lao động mà còn góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thông qua sự cạnh tranh cũng như tiếp thu về khoa học công nghệ.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn, các dự án FDI vào đầu tư thì Việt Nam sẽ đóng góp thêm cho ngân sách. Vấn đề ở đây là Chính phủ phải kiểm soát được tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, TPP yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao và gắt gao hơn các tiêu chí WTO. Nếu như trước đây, các Hiệp định khác của khu vực tính mức tỉ lệ nội khối chỉ đáp ứng 45% và yêu cầu từ vải, nhưng với TPP cho dù tỉ lệ nội địa hóa cộng tất cả các nguyên phụ liệu, nhân công có đạt đến mức 80% mà không có yếu tố sợi trong đó thì cũng không được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là rào cản rất lớn của ngành dệt may khi tham gia vào Hiệp định TPP vì nếu chỉ có hai năm để ngành dệt may chuẩn bị cho khâu sợi thì sẽ không kịp. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, Việt Nam cần nhìn về mục tiêu lâu dài và phải bắt tay thực hiện ngay, nhưng phải có sự giúp sức của Chính phủ.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Chính phủ có thể làm tốt những việc giúp ngành dệt, may, da giày đáp ứng tiêu chí xuất xứ của TPP. Vì tuy nguồn bông Việt Nam không tự trồng được nhưng dệt nhuộm vẫn thì vẫn nằm trong khả năng của các doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Phạm Chi Lan, trước dự báo các nhà sản xuất sẽ vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào thị trường khối TPP với xu hướng từ thị trường này chiếm lĩnh thị trường kia. Cho nên điều mà các doanh nghiệp Việt Nam phải làm là làm sao nâng cao hơn nữa hàm lượng giá trị gia tăng của các ngành nghề, đồng thời tìm ra điểm riêng để nâng cao sức cạnh tranh chinh phục thị trường nội địa và quốc tế. Đầu tư cho chất lượng và sản phẩm là điều tiên quyết trong cạnh tranh, dù TPP có được hiện thực hóa hay không thì doanh nghiệp vẫn phải đầu tư cho chất lượng.

So với 11 nước tham gia TPP, Việt Nam đang còn rất hạn chế về năng lực cạnh tranh, ngay cả so với 4 nước trong ASEAN, sức cạnh tranh của chúng ta cũng còn rất yếu. Do vậy, Việt Nam nên có sự chuẩn bị cho phương án đối phó với những khó khăn và ngặt nghèo nhất khi tham gia TPP…/.

 Nguyễn Huế
Nguồn baohaiquan.vn