Doanh nghiệp, địa phương tâm tư về phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ hai - 13/11/2017 08:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
*Ông Trương Văn Hiền - Tổng Giám đốc Tổng Công ty vật tư nông nghiệp Nghệ An:
Có giải pháp hiệu quả cải tạo các vườn cam thoái hóa
Lâu nay người trồng cam cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh, chất lượng sản phẩm chưa cao, do sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do khâu giống chưa được đảm bảo.
Do vậy chúng tôi thấy rằng, để sản xuất các loại công trồng đảm bảo tiêu chuẩn công nghệ cao, vấn đề cần giải quyết đầu tiên là khâu giống, sau đó là phân bón, thuốc BVTV và quy trình chăm sóc.
Bởi vậy, sau chuyến tham quan ở tỉnh Lâm Đồng vừa rồi, Tổng Công ty chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng trại sản xuất giống cây trồng CNC chủ yếu là giống cam trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp nhằm phục vụ nhu cầu cho Đề án phát triển vùng cam Vinh của tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện cho đơn vị sớm xây dựng trại sản xuất giống cam CNC, cung ứng nhu cầu cho người trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh.
*Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn:
Cần sớm hoàn thiện hồ sơ xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao Nghĩa Phú
Trong tiến trình xây dựng NTM, những năm qua huyện Nghĩa Đàn đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện trên địa bàn huyện đã có 18 sản phẩm rau quả được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Huyện đã thu hút được các dự án ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa vào hoạt động.
Nghĩa Đàn đang tiếp tục thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.
Do vậy, UBND tỉnh cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng nông nghiệp CNC, tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC. Huyện Nghĩa Đàn mong được tỉnh tiếp tục ưu tiên trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện để địa phương được tham gia các dự án ODA trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng CNC; phát triển chuỗi nông sản thực phẩm có lợi thế của huyện, xúc tiến thương mại, quảng bá được thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Đề nghị tỉnh ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương, chính sách đã ban hành. Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, đặc biệt là dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghĩa Phú.
Ông Phạm Văn Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Tâm Nguyên:
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất lâu năm
Là đơn vị chuyên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực đầu tư sản xuất và cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị an toàn trên địa bàn tỉnh; hiện chúng tôi có 5 vùng chuyên sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP trong và ngoài tỉnh.
Các cấp, ngành cần có cơ chế cho doanh nghiệp thuê đất để sản xuất nông nghiệp thời gian lâu hơn (hiện tại là 5 năm) để doanh nghiệp mạnh dạn, tự tin bỏ vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chính quyền địa phương nên đứng ra làm việc với nông dân và mỗi bên phải có trách nhiệm của hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân.
Việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm rau củ quả an toàn, nên có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyeèn với doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là quan tâm về xuất xứ sản phẩm, tồn dư thuốc BVTV, chất bảo quản độc hại.
Xuân Hoàng / Báo Nghệ AN