Doanh nghiệp nông nghiệp đang “khát” vốn

Doanh nghiệp nông nghiệp đang “khát” vốn
Các doanh nghiệp nông nghiệp đang đối diện với thực trạng ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

ại Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014 tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua (15-10), bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng thư ký Hội ngành ong Việt Nam cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mật ong nhưng nông dân đều phải tự đầu tư vốn và phụ thuộc vào doanh nghiệp xuất khẩu ứng trước tiền. Bà Hằng cho biết chưa có một ngân hàng nào hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn hoạt động, người nuôi ong đang phải gánh hàng loạt các loại phí từ chủ vườn, chính quyền địa phương, cơ quan môi trường…Không ít người nuôi ong hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đàn ong bị tiêu diệt vì người dân địa phương phun thuốc tiêu diệt do lo ngại ong làm hại mùa màng của họ.

Cũng đề cập đến tình trạng khó vay vốn để tái đầu tư, ông Võ Quang Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng nêu thực tế nếu doanh nghiệp có tài sản thì ngân hàng cho vay, đến khi hết tài sản thế chấp là “ngưng”. Ông Huy đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế cho trường hợp các doanh nghiệp nông nghiệp gặp những rủi ro bất khả kháng được vay vốn để tái sản xuất.

Ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho hay, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong ba năm trở lại đây, nhiều trang trại đã đóng cửa, không thể tái đàn. Trong khi đó việc tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì sản xuất lại rất khó khăn.

“Mặc dù hội viên đầu tư hàng tỉ đồng vào trang trại chăn nuôi nhưng lại không được ngân hàng cho vay. Họ chỉ cho vay với xã viên có hợp đồng tiêu thụ với các công ty như CP, Japfa. Như vậy, vô hình chung, chúng ta đang đẩy các hộ chăn nuôi vào cảnh làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài” – ông Chiến nói.

Là một doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đào Công Thắng, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Agricare Vietnam cho hay gần như công ty chưa bao giờ được tiếp cận vốn từ ngân hàng cũng như từ các chính sách hỗ trợ của bộ.

“Rào cản lớn nhất của chúng tôi chính là chính sách không ổn định, thay đổi liên tục. Do doanh nghiệp không thể lường hết nên sống rất chật vật” – ông Thắng nói.

Về vấn đề này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho rằng các doanh nghiệp cần chia sẻ với ngân hàng vì ngành nông nghiệp mang tính rủi ro cao về thời tiết, thị trường và phải làm việc với hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ. Song, những kiến nghị của các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ được Bộ xem xét và gửi tới các cơ quan liên quan phối hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nông nghiệp đang ngày càng teo tóp

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tổ chức lại sản xuất là một trong những trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Việc tổ chức lại sản xuất được thực hiện theo các hướng chính sau: Sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh; khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích hợp tác công tư trong nông nghiệp; và cuối cùng là khuyến khích liên kết nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Song theo Bộ trưởng Phát, các doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn và thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp tư nhân phát triển còn khiêm tốn. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp 7,1% vào GDP nông nghiệp và 12% của khối doanh nghiệp tư nhân vào GDP của nền kinh tế.

Đặc biệt, thu hút FDI vào nông nghiệp rất thấp. Tính tới nay chỉ đạt 3,4% trong tổng số vốn FDI vào nền kinh tế, tương đương khoảng 3 tỉ đô la Mỹ.

Cả nước có hơn 3.500 doanh nghiệp nông lâm thủy sản, chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng con số ít ỏi đó lại đang có xu hướng teo tóp dần. Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2013 đạt 1.020 doanh nghiệp, giảm 14%, trong khi đó số doanh nghiệp giải thể còn cao hơn, tương đương 1.332 doanh nghiệp phá sản.

Theo thesaigontimes.vn