Đổi mới cách thức nuôi trồng thủy sản vùng cao

Đổi mới cách thức nuôi trồng thủy sản vùng cao
Là tỉnh trung du miền núi nên Thái Nguyên được đánh giá có ít tiềm năng, lợi thế trong nuôi trồng, phát triển nguồn lợi thủy sản.
07-41-31_1
Mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung ngoài mang lại hiệu quả kinh tế lớn đã góp phần thay đổi tích cực hình thức chăn nuôi manh mún. Ảnh: Đào Thanh.

Tuy vậy, với thành công bước đầu của mô hình hỗ trợ phát triển vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung đang được triển khai đã tạo ra hướng đi mới.  

Sản xuất tập trung

Thái Nguyên có diện tích 19.000ha mặt nước có tiềm năng phát triển, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, mới chỉ có 6.000ha được sử dụng, khai thác. Diện tích sử dụng chủ yếu là các hồ chứa nhỏ, ao gia đình.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Thái Nguyên đã tăng hơn gấp đôi từ hơn 4.000 tấn (2008) lên đến gần 10 ngàn tấn (năm 2018). Mặc dù, chăn nuôi thủy sản có chuyển biến song đặc trưng chăn thả vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành quy mô hàng hóa. Việc nuôi trồng phát huy hiệu quả tại mô hình hộ cũng làm cho quy trình kỹ thuật không thống nhất, mạnh ai nấy làm, nguồn giống thủy sản tại chỗ không đủ.

Từ thực tế nói trên, tháng 5/2019, Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Mô hình được triển khai trên quy mô 8/9 huyện thành thị của tỉnh Thái Nguyên. Có 20 tổ hợp tác, HTX được chọn lựa hỗ trợ xây dựng mô hình với quy mô tổng diện tích là 90ha.

Ông Lý Mạnh Dần (chuyên viên Phòng nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Thái Nguyên) cho biết, điều kiện để các hộ dân tham gia mô hình là phải xây dựng để biên chế thành các tổ hợp tác, HTX. Mặt khác, các hộ có diện tích nuôi trồng gần nhau hoặc tập trung với tổng diện tích tối thiểu là 4ha. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, tháng 5/2019, các mô hình được thụ hưởng nguồn hỗ trợ của chương trình.

07-41-31_2
Ảnh: Đào Thanh.

Theo đó, mỗi mô hình được nhận 4.020 con cá giống chép lai và 20.700 cá giống rô phi đơn tính chất lượng cao. Tổng nguồn hỗ trợ cho chương trình là hơn 80.000 cá chép và 514.000 cá rô phi đơn tính. Quá trình chăn thả, cá phát triển tốt. Đến thời điểm hiện nay, các hộ dân đang tiến hành thu hoạch. Cá có trọng lượng bình quân từ 0,9 – 1kg/con. Theo đó, năng suất dự kiến đạt 10 tấn/ha.  

Quy mô hàng hóa

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất thủy sản tập trung của tổ hợp tác xóm Bạch Thạch (xã Tân Kim, huyện Phú Bình) đúng vào thời điểm hộ anh Nguyễn Đức Phúc đang kéo lưới thu hoạch cá. Trên bờ đầm rộng 2ha, 2 chiếc xe tải 1,5 tấn của thương lái chờ sẵn để mua cá. Sau 2 mẻ lưới ngót ngét gần 2,5 tấn cá, anh Phúc từ dưới đầm bước lên bờ, nhác thấy cán bộ của Chi cục Thủy sản, anh hồ hởi, cá ngon lắm, sạch lắm các bác ạ. Bao năm nay nguồn thu cứ lẻ tẻ, không ra tấm, ra món. Thật may được sự hỗ trợ từ Chi cục mà vẫn cái đầm này, chỉ tính riêng hôm nay có thể em để ra được hơn trăm triệu bạc đấy.

Phúc nói chuyện líu khìu về quá trình tập huấn, nhận cá, thả rồi chăm sóc, thu hoạch cá. Theo đó, việc tập hợp các hộ vào nuôi tập trung vừa là chia sẻ kinh nghiêm, giúp đỡ lẫn nhau song quan trọng nhất là việc thu hoạch, bán cá không phải mang ra chợ huyện, chợ tỉnh như trước đây nữa. Thương lái biết có vùng nuôi cá tập trung, thu hoạch tập trung với sản lượng lớn nên đặt gạch mua từ nhiều tháng trước đó.

Anh Phạm Hòa Hiệp (một thành viên khác của tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Bạch Thạch) cho biết, ngoài việc cung cấp được sản lượng quy mô thì chất lượng cá cũng được đánh giá cao hơn so với cách nuôi trồng tự phát trước đây. Chính vì vậy, thương lái mới đến tận nơi thu mua với giá tương đương giá thị trường.

Ông Ngô Văn Hùng (HTX nông sản an toàn Hùng Sơn, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên) cho biết, tham gia mô hình, ngoài được nâng cao kỹ thuật thì nguồn cá giống hỗ trợ làm nhiều hộ dân thích thú. Cá chép lai đều chằn chặn, con nào con nấy phổng phao; cá rô phi thì cứ 6cm một con, độ dài vênh nhau tính bằng mm.

07-41-31_3
Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Hùng Sơn (Giám đốc HTX nông sản an toàn Hùng Sơn) cho biết, tham gia mô hình, chúng tôi thay đổi rất nhiều cách thức chăn nuôi. Cụ thể như từ khâu chuẩn bị ao nuôi, thả giống với mật độ, quy cách được yêu cầu trước. Quá trình chuẩn bị thức ăn, cho cá ăn, chăm sóc, quản lý, quan trắc rồi thu hoạch cũng đều có kế hoạch rõ ràng. Chính vì vậy mà gần 6 tháng nuôi thả, diện tích chăn nuôi 5ha của HTX không có hộ nào có cá bị mắc dịch bệnh hay nhiễm phèn, nhiễm độc. Chất lượng cá so với năm ngoái đã ngon hơn hẳn.

Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản tập trung của xã Bản Ngoại (huyện Đại Từ) có 3 hộ tham gia. Ông Lương Đình Thông (một hộ chăn nuôi) khẳng định, thực tế thì những kiến thức kỹ thuật, kỹ năng cũng đã từng được nghe, được biết nhưng chỉ khi tham gia vào mô hình thì chúng tôi mới thực hiện bài ản và nghiêm túc. Đúng là có quy hoạch, kế hoạch nên chất lượng, sản lượng nuôi thả cao hơn. Mong muốn chung của bà con là mô hình sẽ được thực hiện dài dài để có cơ hội nâng cao tay nghề, tiếp cận được với nguồn giống chất lượng cao.

"Chi cục Thủy sản sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng của địa phương song hành với việc mở rộng mô hình, nâng cao, duy trì số lượng người dân được hưởng lợi thì sẽ rà soát nguồn lợi để có quy hoạch, định hướng phát triển thủy sản nằm trong chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả".

(Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Nguyên)

ĐỒNG VĂN THƯỞNG - ĐÀO THANH/https://nongnghiep.vn/