Đổi mới chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức về tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và những đòi hỏi khắt khe của thị trường..., nông nghiệp nước ta luôn cần một nguồn vốn lớn để có thể ứng phó, khắc phục hiệu quả. Song, do hạn mức tín dụng lĩnh vực nông nghiệp thấp, việc tiếp cận vốn ngân hàng với thủ tục rườm rà, đã tạo "đất" cho tín dụng "đen" tồn tại. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước, Báo Nhân Dânphối hợp UBND tỉnh Kiên Giang và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp cho vay nông nghiệp, nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại đồng bằng sông Cửu Long" nhằm tìm ra những giải pháp khả thi hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Đổi mới chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Nhiều vướng mắc

Cùng với sự phát triển của đất nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã, đang phát huy thế mạnh, trở thành vùng kinh tế trọng điểm (bình quân đóng góp gần 20% GDP của đất nước) là khu vực dẫn đầu cả nước về nông nghiệp, chiếm 54% sản lượng lúa của quốc gia; sản lượng thủy sản chiếm 57%... không chỉ góp phần bảo đảm an ninh quốc gia mà còn thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dânnhấn mạnh, với vị trí, vai trò, tiềm năng quan trọng, nhu cầu vốn tín dụng của vùng ĐBSCL rất lớn. Nhất là thời gian qua, nguồn vốn này đã tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của vùng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản..., từng bước xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) ĐBSCL theo hướng CNH, HĐH. Song, thực tế vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng "đen" diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương, để lại những hậu quả cho xã hội và người dân.

Đồng tình với đánh giá này, ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đưa ra dẫn chứng: Hai vụ nuôi tôm vừa qua tại Sóc Trăng đều mất mùa, nông dân không còn tài sản thế chấp. Vụ tôm năm nay người nuôi khó tiếp cận bảo hiểm con tôm. Trong khi chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang bị tắc, người mua bảo hiểm gặp rủi ro lại không được đền bù, còn doanh nghiệp lo ngại chính sách bị lợi dụng... Nếu có một sản phẩm như bảo hiểm lãi suất có lợi cho bên đi vay, đồng thời bên cho vay yên tâm khơi thông nguồn vốn cho NNNT nhiều hơn thì bảo hiểm lãi suất sẽ đi được vào lòng dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), doanh số cho vay đối với lĩnh vực NNNT tại khu vực ĐBSCL trong tám tháng đầu năm 2013 đạt 112.913 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 102.703 tỷ đồng. Đến 31-8, dư nợ cho vay NNNT tại khu vực ĐBSCL đạt 120.507 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,37%/tổng dư nợ cho vay NNNT toàn quốc và chiếm gần 40% tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vùng. Như vậy, nhu cầu vốn tín dụng cho các địa phương trong khu vực là khá lớn, trong khi đó huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được 77% nhu cầu vốn đầu tư cho vay trên địa bàn...

Nhân rộng sáng kiến bảo hiểm lãi suất

Đề cập tới thực trạng tiếp cận nguồn vốn ở ĐBSCL, Vụ trưởng tín dụng NHNN Nguyễn Viết Mạnh nhìn nhận, hiện nay còn nhiều rủi ro, khó khăn khi được mùa mất giá, được giá mất mùa; quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản tràn lan, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất, kinh doanh thiếu sự quy hoạch đồng bộ, tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ là những lý do làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm có thế mạnh trong khu vực... Đây là những rào cản khiến vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp chưa đến với nông dân.

Về vấn đề này, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do thiếu và yếu trong chính sách tín dụng vi mô cho bảo hiểm cũng như chính sách vĩ mô bao trùm. Trong khi đó, thực tế sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa có một thị trường tiêu thụ nông sản đủ sức thu hút doanh nghiệp bảo hiểm. Hơn nữa NHNN rất hạn chế trong thị trường tài chính vi mô này. Cho nên cách làm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa qua chưa đáp ứng nhu cầu.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đưa ra sáng kiến cho vay NNNT có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL. Ngay tại hội thảo, LienVietPostBank đã cùng Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện và Hội Cựu chiến binh các tỉnh ĐBSCL ký thỏa thuận hợp tác triển khai Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi NNNT có bảo hiểm từ thiện lãi suất trong giai đoạn 2013-2015.

Trao đổi bên lề hội thảo, TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đánh giá cơ chế bảo hiểm lãi suất của LienVietPostBank mới chỉ là sự hé mở và chưa bao trùm được giá trị lớn nhất là toàn bộ khoản vay, trong đó gồm cả phần gốc. Đây là chính sách còn khá mới và bước đầu mang tính thăm dò.

Cùng chung quan điểm, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành phân vân: "Mới chỉ một ngân hàng triển khai bảo hiểm, hỗ trợ như vậy thì có thể kéo dài được lâu dài hay không?". Tuy nhiên, các chuyên gia này đánh giá cao vì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một NHTM đứng ra triển khai, có ý nghĩa như một chính sách mồi, tạo một chỗ dựa và kích thích người dân vay vốn, ngân hàng cũng có thêm điều kiện để đẩy mạnh cho vay.

Từ chính sách đến tầm nhìn

Nhìn nhận thẳng vào chiến lược phát triển NNNT, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank khẳng định: Chúng ta phải có tầm nhìn, chính sách và các biện pháp đột phá khác để khu vực NNNT thật sự phát triển bứt phá, nếu không cái vòng đói nghèo, lạc hậu sẽ tiếp tục luẩn quẩn. Cũng theo ông Hưởng, Nhà nước cần mở các nút thắt, tăng cường hơn việc thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào khu vực NNNT, mang theo công nghệ mới, cách thức làm mới... Đồng thời, Nhà nước có thể thực hiện chính sách cho thuê đất 100 năm, (khi đó cả nhà nông lẫn nhà đầu tư sẽ an tâm sản xuất, kinh doanh hơn). Bởi chính sách hạn điền vẫn có những điểm chưa phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đồng tình với việc phải tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn, làm bàn đạp tiến lên sản xuất lớn giúp giảm chi phí, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho nông dân, đồng thời giảm chi phí và thuận tiện các tổ chức tín dụng cho vay NNNT. Song ông chỉ ra rằng, chúng ta mới chỉ quan tâm đến cho vay sản xuất, mà bỏ qua cho vay tiêu dùng đối với hộ nông dân, đẩy người nông dân khi cần tiền tiêu dùng phải đi vay tín dụng "đen", với lãi suất có nơi lên đến hơn 72%/năm và dễ lâm vào cảnh mất nhà, đất, mất cơ nghiệp. Chính vì vậy, Nhà nước và ngân hàng cần nghiên cứu cho vay tiêu dùng đối với hộ nông dân để ổn định cuộc sống, từ đó ổn định sản xuất.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Qua cuộc hội thảo này, các đại biểu đã góp thêm ý kiến với Đảng và Nhà nước để có những cơ chế mới nhằm tổ chức sản xuất ở vùng ĐBSCL thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Với định hướng này, có thể đa dạng các định chế nông nghiệp như trang trại, công ty cổ phần nông nghiệp, HTX kiểu mới... để phát huy lợi thế về quy mô, xây dựng những chuỗi giá trị sản xuất khép kín. Cùng với đó, chính sách tín dụng phục vụ NNNT cần đổi mới một cách phù hợp.

Lê Đức Nghĩa
Nguồn nhandan.org.vn