Đổi mới chuỗi giá trị nông sản
- Chủ nhật - 06/05/2018 04:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xu thế tiêu dùng dần thay đổi
Theo thống kê của Liên minh Nông nghiệp (bao gồm các thành viên: Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR; Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE; Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam - SCAP; Hội Khoa học phát triển nông thôn - PHANO), hệ thống bán lẻ thực phẩm trong thời gian qua đã có sự thay đổi lớn. Nếu như năm 2014, cả nước có 921 siêu thị, mini mart, cửa hàng thực phẩm tiện lợi thì đến nay con số này đã lên tới 3.354. Sự gia tăng hệ thống bán lẻ nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Đáng chú ý, người tiêu dùng cũng đang chuyển dần sử dụng sản phẩm từ các chợ truyền thống sang hệ thống bán lẻ hiện đại, tỷ lệ người dân đi chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm đã giảm tới 35,5% so với cách đây 5 năm.
Quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi sáng kiến và đầu tư cả từ phía nông dân và các doanh nghiệp tư nhân |
Đặc biệt, với sự mất an toàn của nhiều loại nông sản hiện nay, người tiêu dùng cũng đã quan tâm nhiều hơn tới chứng nhận chất lượng nông sản. Trong đó, các chuỗi sản phẩm hữu cơ có sự giám sát chéo được người tiêu dùng biết đến nhiều nhất (51%), tiếp đến là hệ thống quản lý chất lượng VietGAP với khoảng 32%...
TS Đào Thế Anh - Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tình hình phát triển chuỗi giá trị nông sản trong nước đang có chiều hướng thay đổi tích cực. Nếu như năm 2014, cả nước chỉ có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai chuỗi liên kết với con số thành công chưa nhiều thì đến hết năm 2017, đã có gần 700 chuỗi liên kết giá trị nông sản an toàn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% số chuỗi hoạt động hiệu quả.
Theo thống kê của Liên minh Nông nghiệp, hiện nay ở nước ta có một số mô hình đã áp dụng thành công chuỗi giá trị nông sản hiệu quả như: Hợp tác xã rau Anh Đào (Đà Lạt), hợp tác xã rau Mộc Châu (Sơn La), Vineco, TH Milk, các chuỗi được hỗ trợ bởi IFAD, các chuỗi hữu cơ PGS và 64 chuỗi sản phẩm chỉ dẫn địa lý. |
Lý giải việc chuỗi giá trị nông sản hiệu quả thấp, TS Đào Thế Anh cho rằng, nguyên nhân là do chi phí giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khó khăn lớn nhất trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là lựa chọn và tìm kiếm được doanh nghiệp đầu tàu, các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất nhỏ, ở vùng sâu xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất cùng xây dựng, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế.
Cần những thay đổi mạnh mẽ
Chuỗi giá trị nông sản là một tập hợp khép kín các thành phần tham gia gồm: Đầu vào và dịch vụ; hệ thống sản xuất; công tác sau thu hoạch; chế biến, bao bì; phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng. Để chuỗi phát triển bền vững, theo các chuyên gia nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn với lãi suất thấp để thu mua sản phẩm cho người dân với giá ổn định, cải cách các hiệp hội ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác công tư, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cần quy hoạch vùng sản xuất nông sản quy mô lớn theo hướng tập trung, hiện đại để doanh nghiệp có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm…
Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất phát triển theo chiều sâu, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại tới môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thích hợp tới từng người tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sản xuất. Trong bối cảnh đó, nhu cầu minh bạch thông tin về chất lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm của người dân là một điều cấp thiết. Để làm được điều đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần quan tâm tới minh bạch thông tin về sản phẩm để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong quản trị thương hiệu. Hiện nay, công nghệ Blockchain (công nghệ mã hóa dùng để lưu trữ thông tin dựa trên cơ chế đồng thuận chống lại việc thay đổi dữ liệu) đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Lợi thế của Blcokchain là đáng tin cậy, minh bạch, bền vững, đặc biệt là giá thành không quá cao. Ngoài công nghệ Blockchain, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi cung ứng nông sản cũng đang rất phổ biến. Đây là những giải pháp quản trị hiện đại nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.
Thực tế, theo các chuyên gia, việc phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường, việc tham gia là tự nguyện. Bởi thực chất các chuỗi cung ứng là liên kết cung - cầu và liên kết này dựa vào niềm tin của các chủ thể tham gia.
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng. Muốn được hưởng chính sách trên, doanh nghiệp phải có doanh thu năm trước tối thiểu bằng 10 lần mức hỗ trợ; các bản quyền, công nghệ doanh nghiệp đề xuất mua phải phù hợp với định hướng phát triển sản xuất của doanh nghiệp đã đăng ký. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định rõ, trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng mức hỗ trợ; trường hợp không được áp dụng trong thực tế thì được thanh toán bằng 50% mức hỗ trợ. Cũng theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5 tỉ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhập bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ gia đình thì được hỗ trợ bổ sung 10 triệu đồng/con. |
Song Nguyễn - Đông Nghi/ Petrotimes