Đổi thay ở đất Bình Xuyên
- Thứ ba - 28/08/2018 21:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bình Xuyên bây giờ không còn cũ kỹ như trước, thay vào đó là những cánh đồng lúa xanh mướt. Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất cùng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đan xen trên các trục đường nhựa, đường bê tông mới. Trụ sở, cơ quan, trục đường chính ở Trung tâm huyện được chỉnh trang sạch đẹp chuẩn bị chào mừng sự kiện 20 năm huyện Bình Xuyên được tái lập (01/09/1998 - 1/9/2018).
Những năm đầu mới tái lập, kinh tế huyện Bình Xuyên còn nghèo, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, doanh nghiệp khá thưa thớt, lao động trẻ phải phiêu bạt khắp các tỉnh thành để mưu sinh. Giờ đây, kinh tế - xã hội của Bình Xuyên đang dần khởi sắc với bước phát triển vượt bậc.
Mỗi sáng, các con đường chính vào khu công nghiệp luôn tấp nập công nhân lao động tới làm việc. Nhiều xe tải lớn, nhỏ nối tiếp đến khu công nghiệp lấy xe máy, linh kiện và phụ kiện các loại xe, sản phẩm điện tử, mặt hàng thép, gạch ốp lát, sản phẩm dệt may... mang về đại lý ở các tỉnh tiêu thụ. Bởi vậy, các khu công nghiệp luôn nhộn nhịp, sôi động. Những sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, sức cạnh tranh cao mang lại cho Bình Xuyên sức sống mới, bước phát triển đầy ấn tượng.
Ông Nguyễn Duy Đông, Bí thư huyện uỷ Bình Xuyên tự hào, ngày 01/09/1998 huyện Bình Xuyên được tái lập (Theo Nghị định số 36/98/NĐ-CP) trên cơ sở chia tách huyện Tam Đảo thành hai huyện Bình Xuyên và Tam Dương. Những năm đầu tái lập, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn yếu kém, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp hạn hẹp.
Mặt khác, đất canh tác ở Bình Xuyên khá nhỏ hẹp, hầu hết nông dân bám đồng ruộng chỉ đủ sinh sống. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung xoá đói, giảm nghèo cho người dân, từng bước xây dựng Bình Xuyên trở thành địa phương giàu mạnh…là niềm mong ước của cán bộ, nhân dân huyện.
Nhân dân Bình Xuyên đã vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, xây dựng huyện nhà phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực.
Tỉnh đã cùng huyện thực hiện giải pháp như: hoạt động xúc tiến đầu tư triển khai tại các nước trình độ phát triển cao, tập đoàn kinh tế lớn. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kêu gọi dự án tỉnh, dự án lớn có trình độ khoa học công nghệ cao, sản phẩm có tính cạnh tranh và giá trị cao về địa bàn đầu tư.
Cùng đó, tỉnh và huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Hàng loạt con đường lớn vào khu công nghiệp được xây dựng, hệ thống điện lưới, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất… đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư.
Nhìn lại chặng đường 20 năm từ ngày tái lập đến nay, Bình Xuyên đã có bước tiến dài. Địa phương giải phóng mặt bằng 6 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.822 ha. Trong đó, 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện và Bá Thiện II thu hút khoảng 35.000 lao động trẻ. Thu nhập người lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên phổ biến 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc khởi công từ tháng 9/2017, rộng hơn 213 ha tại xã Thiện Kế và xã Tam Hợp do Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư về hạ tầng và sắp hoàn thiện. Đến nay, Khu công nghiệp này chuẩn bị hoàn thiện hạ tầng; nhiều nhà đâu tư đăng ký hoạt động sản xuất. Dự kiến, khi hoàn thành KCN sẽ thu hút 79 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản với khoảng 25.000 lao động.
Huyện Bình Xuyên đã có 1.127 doanh nghiệp; trong đó, 141 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 28 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước (DDI). Giá trị sản xuất năm 2017 đạt 47.500 tỷ đồng, gấp 125 lần so với năm đầu Bình Xuyên tái lập và hiện công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 91% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Công nghiệp và xây dựng trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động. Nếu như năm đầu tái lập (1998) Bình Xuyên thu ngân sách chỉ đạt 6,6 tỷ đồng thì đến năm 2017, tổng thu ngân sách của huyện trên 1.158 tỷ đồng. Tổng sản phẩm của địa bàn tăng 8 lần. Thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng/năm, tăng hơn 7 lần so với năm năm đầu tái lập huyện.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ống Thép Việt Đức cho biết, doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh phát triển ổn định giải quyết việc làm cho người dân địa phương và thực hiện nghĩa vụ đóng góp ngân sách Nhà nước. Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2002, đến nay, Thép Việt Đức khẳng định là đơn vị sản xuất thép hàng đầu ở Việt Nam với nhiều dây chuyền, công suất 1,3 triệu tấn/năm; 3 dòng sản phẩm chính: ống thép các loại; tôn cán nguội, tôn mạ kẽm và thép xây dựng. Doanh thu của Thép Việt Đức tăng từ 5.500 tỷ đồng năm 2012 lên 10.000 tỷ đồng năm 2017 và nộp ngân sách năm 2017 hơn 200 tỷ đồng.
Năm 2018, Thép Việt Đức đặt mục tiêu doanh thu trên 12.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu là 7.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 80 tỷ đồng. Thép Việt Đức tạo việc làm ổn định cho 1.000 lao động với mức lương bình quân 11 triệu đồng/người/tháng…
Đi đôi với phát triển hạ tầng phát triển công nghiệp, hệ thống giao thông ở Bình Xuyên được đầu tư. Toàn huyện có gần 79 km đường quốc lộ và tỉnh lộ, hơn 37 km đường huyện, 432 km đường trục xã, thôn và gần 159 km đường giao thông nội đồng được bê tông hoá. Bình Xuyên có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện thứ 2 của tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.