Đổi thay trên quê hương “Người mẹ cầm súng”

Đổi thay trên quê hương “Người mẹ cầm súng”
Từ một vùng đất nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Trà Vinh, đến nay huyện Cầu Kè, quê hương của “Người mẹ cầm súng” đã thay da đổi thịt. Điện đã về từng xóm ấp, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, tạo điều kiện cho sản xuất, đời sống người dân ngày một đi lên.
 Lưới điện được kéo về khắp nơi vùng sâu, vùng xa thuộc xã Châu Điền

Chúng tôi có dịp trở lại huyện Cầu Kè, quê hương “Người mẹ cầm súng”. Trên khắp các nẻo đường quê, bến đò, dòng kênh hôm nay, đâu đâu cũng thấy cuộc sống thật sôi động! Sự thay da, đổi thịt đã tạo nên dáng vóc cho Cầu Kè khởi sắc, đi lên hòa nhập vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Trên con đường nhỏ trải nhựa chạy dài, dẫn đến xã Tam Ngãi quê hương của nữ anh hùng liệt sỉ Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch), hai bên đường là những vườn cam xanh mướt, bạt ngàn. Men theo con đường bêtông vào sâu trong ấp, hương cam tỏa thơm ngát. Ông Sơn Chuôl, hộ dân Khmer ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi cho biết, gia đình có 5 công đất, lúc trước trồng lúa, nhưng 5 năm gần đây, khi được ngành điện kéo điện về, gia đình tui chuyển qua trồng cam. Nhờ sử dụng điện để tưới tiêu, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây ra trái mùa, kết hợp tăng thêm diện tích, năng suất nên vườn cam nhà ông hàng năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Rời xã Tam Ngãi đến xã Châu Điền. Đây là xã có hơn 81% đồng bào Khmer sinh sống, nơi mà mười năm trước đây xã không có điện thắp sáng, thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông lầy lội về mùa mưa, bụi mù về mùa nắng, đời sống kinh tế của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ông Lý Khanh, Chi hội trưởng Hội nông dân ấp Ô Rồm, xã Châu Điền cho biết, cách đây 5 năm khi chưa có điện, phải kéo phụ hơi từ đường lộ chính vào đến nhà trên 300m và phụ hơi qua nhiều hộ, giờ cao điểm, đèn không sáng và phải trả giá mua điện trên 3.000 đ/kWh. Nay đã có điện, gia đình đầu tư mua máy bơm tưới cây, mua sắm thiết bị điện (tủ lạnh, quạt, tivi) phục vụ đời sống văn hóa tinh thần. Toàn ấp có đến 400 hộ, chủ yếu là đồng bào Khmer, từ khi có điện lưới và được Nhà nước đầu tư đường liên ấp, cuộc sống người dân vươn lên từng ngày, nhờ ứng dụng điện giúp tăng năng suất trong chăn nuôi, trồng trọt, nhất là chuyển qua sử dụng máy bơm điện vừa giảm chi phí, vừa ít tốn công, không còn cảnh phải gánh nước để tưới cây, tắm heo. Nhờ có điện, nông dân trồng rẫy, trồng vườn cây ăn trái chủ động công việc, đỡ cực hơn so với trước; cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi.

Với sự trợ giúp của điện lưới quốc gia, đời sống của người dân, đặc biệt vùng đồng bào Khmer huyện Cầu Kè đã có những thay đổi rõ rệt. Cuộc sống người dân được cải thiện, hạ tầng, đường nông thôn được mở rộng, nhộn nhịp hơn.

Hộ dân ấp Ô Rồm, Châu Điền sử dụng điện từ dự án cung cấp điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp

Dự án cung cấp điện chủ yếu là đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, được triển khai qua 3 giai đoạn trên địa bàn huyện Cầu Kè với khối lượng gồm 56,7 km đường dây trung thế, 196,9 km đường dây hạ thế và 131 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 2.105 KVA, cấp điện cho 6.389 hộ dân trong đó có 2.570 hộ dân Khmer, nâng tổng số hộ có điện toàn huyện đạt 99,37%.

Ông Trịnh Minh Khải, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện chia sẻ: Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân tộc Khmer, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó tạo điều kiện cho các hộ gia đình Khmer được sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, phát huy hiệu quả từ các chương trình dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội xoá đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng. Ngoài ra khi hoàn thành dự án này còn góp phần khắc phục được tình trạng hộ sử dụng điện câu đuôi không an toàn, cung cấp được kịp thời cho các hộ dân chưa có điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới.

Chính sách đưa điện về nông thôn đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng người dân, tạo được niềm tin, động lực để mọi người hăng say lao động, sản xuất, góp phần đưa kinh tế vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển.

Trên quê hương “Người mẹ cầm súng”, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, đi lên từ một vùng quê trước kia vốn được xem là nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Trà Vinh.