Dồn tổng lực đầu tư vốn, kỹ thuật xây dựng 2.000 HTX công nghệ cao
- Thứ hai - 12/03/2018 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vinafood 2 liên kết với HTX nông nghiệp
Cuối tuần qua, tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT phối hợp với Vinafood 2 tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn, chất lượng cao vùng ĐBSCL”.
Vinafood 2 sẽ tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với HTX nông nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: H.X
"Thời gian tới, chúng tôi tập trung xây dựng 2.000 HTX nông nghiệp công nghệ cao, được hỗ trợ kinh phí giúp tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, tăng năng suất và giá trị”. Thứ trưởng Bộ NNPTNT |
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, gần 2 năm thực hiện Quyết định 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020, gần 200 HTX tham gia thí điểm đã xây dựng tốt phương án sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều nơi đã và đang mở rộng liên kết, hình thành các chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây an toàn.
Nhưng nhìn chung, phần lớn các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu vốn, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về bất cập này, ông Lê Thanh Hiệp – Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tiến Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho hay: “Trong quá trình liên kết sản xuất, rất nhiều HTX gặp khó trong việc đầu tư đầu vào, thu mua sản phẩm cho thành viên do thiếu vốn. Hơn nữa, nhiều nông dân còn yếu về kỹ thuật sản xuất”.
Theo Bộ NNPTNT, để mô hình trên được thành công hơn, Bộ đồng ý chọn Vinafood 2 liên kết với các HTX nông nghiệp thực hiện Quyết định 445 trong sản xuất và tiêu thụ lúa, xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng cao. Theo đó, các doanh nghiệp của Vinafood 2, Sở NNPTNT (có vai trò hỗ trợ), HTX các địa phương ĐBSCL phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên tham gia.
“Cái chính của hội nghị hôm nay là làm rõ các yêu cầu giữa các thành viên trong khâu liên kết, có sự đồng thuận, hài hoà lợi ích giữa các bên. Rất mong Sở NNPTNT các địa phương quan tâm. Trong năm 2018, các chính sách sẽ tập trung vào các mô hình thí điểm, chứ không dàn trải, không để xảy ra tình trạng ký hợp đồng liên kết rồi mạnh ai nấy làm” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Hỗ trợ vốn, đưa cán bộ kỹ thuật xuống HTX
"Ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng các HTX để tổ chức lại sản xuất lúa. Bên cạnh đó, cũng tăng cường củng cố, phát triển các HTX nông nghiệp bằng cách kiến nghị sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách giúp dễ tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”. Ông Nguyễn Văn Việt – |
Theo Thứ trưởng Nam, khi chuỗi liên kết được hình thành, phía Bộ NNPTNT sẽ tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách để sản xuất, đặc biệt là về vốn, đào tạo nhân lực, từ đó nhanh chóng tiếp cận được công nghệ 4.0. Đặc biệt, các HTX còn sẽ được điều động cán bộ KHKT giúp sức nếu có nhu cầu.
Thứ trưởng Nam cho biết thêm: “Ở nước ngoài, mô hình cán bộ KHKT về hỗ trợ các HTX rất hiệu quả, giúp HTX đi lên, trở thành những tập đoàn lớn. Ở nước ta, mô hình này có thể thực hiện được tốt”.
Liên quan đến việc liên kết với các HTX nông nghiệp thực hiện Quyết định 445 trong sản xuất và tiêu thụ lúa, đại diện Vinafood 2 cho biết, đó là nhu cầu thiết yếu, phục vụ lợi ích của các bên. Sau hội nghị, những công ty thành viên sẽ báo cáo với Sở NNPTNT các địa phương làm việc trực tiếp với các HTX được chọn thí điểm cùng phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu.
Tuỳ thực tế và khả năng tài chính của từng công ty thành viên sẽ hỗ trợ kinh phí cho các HTX tổ chức họp dân, hội thảo, chi phí vận động thu gom lúa. Đồng thời, tạo điều kiện các HTX làm dịch vụ thu mua, sấy lúa gia công và vận chuyển lúa về kho của các công ty.
Với sự hỗ trợ từ các công ty thành viên Vinafood 2, các HTX còn được kết nối với các doanh nghiệp liên kết ngang làm đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống. Các HTX sau đó còn tiếp cận vốn ngân hàng thông qua các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp.
Theo Dân Việt