Đồng Tháp: Hợp tác nâng giá trị trái xoài
- Thứ hai - 25/12/2017 04:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo Thanh niên, Đồng Tháp có diện tích xoài lớn nhất nước với trên 9.200 ha, sản lượng 90.000 tấn/năm, đặc biệt sở hữu 2 giống xoài ngon là cát Chu Cao Lãnh (chiếm 70% diện tích) và xoài cát Hòa Lộc (chiếm 20% diện tích).
Với giá xoài cát Hòa Lộc hiện nay trên 80.000 đồng/kg, người trồng xoài đạt lợi nhuận trên 139 triệu đồng/ha, xoài cát chu trên 22.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 63 triệu đồng/ha.
Theo báo Sài gòn đầu tư, thời gian qua Đồng Tháp đã thành lập 2 hợp tác xã xoài và 29 tổ hợp tác chuyên sản xuất xoài nhằm đưa nông dân vào làm ăn bài bản. Để tránh tình trạng “tới mùa, rớt giá” tỉnh khuyến cáo nông dân thực hiện rải vụ thành công với diện tích khoảng 416ha, nhờ đó xoài Đồng Tháp có quanh năm, đảm bảo thực hiện các hợp đồng tiêu thụ, đồng thời xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Newzealand... Lợi nhuận của người trồng xoài đạt trung bình 135 triệu đồng/ha, cao hơn trước đây 30 triệu đồng/ha.
Qua 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp trong cả nước và nhiều nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đàm phán để ký kết hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ xoài, xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất xoài tươi và xoài chế biến, như Công ty InJae của Hàn Quốc; các công ty Long Uyên, Thuận Phong, Good Life, Việt Đức…
Hàng năm các công ty này cung cấp ra thị trường khoảng 7.000 tấn xoài tươi và xoài chế biến với lợi nhuận ổn định. Đạt được hiệu quả trên nhờ quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, phát huy được lợi thế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân từ khâu sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu, nhờ đó nâng giá trị trái xoài, đảm bảo lợi ích các bên tham gia.
Thời gian tới, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đàm phán để xoài Đồng Tháp được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường có tiềm năng lớn trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Malaysia; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hợp tác xã/tổ hợp tác tại các vùng nguyên liệu để tiêu thụ xoài loại 2 và loại 3 nhằm giảm áp lực đáng kể lên xuất khẩu đối với trái tươi (thời gian chín, vận chuyển và hàng rào kỹ thuật phức tạp) phục vụ và tiếp cận thị trường xa, khó tính như Mỹ và châu Âu.
Theo ông Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) khi xem xét xuất khẩu xoài trái tươi sang hai thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, địa phương cần xác định rõ các vấn đề như kích cỡ xoài Đồng Tháp có phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giá bán có thể cạnh tranh được với giá xoài Nam Mỹ; loại hình và giá cước vận chuyển; sản phẩm có đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho các thị trường này...