Gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn của cả nước hoạt động theo cơ chế một cửa; gần 190 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập, hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng... đã làm cho dòng chảy tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách yếu thế một cách ngắn nhất, nhanh nhất; giúp họ thêm cơ hội đổi đời.
Điểm sáng cơ chế một cửa
Gần 15 giờ, công đoạn cuối cùng của phiên giao dịch thường kỳ tại Pú Xi - xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) mới kết thúc. Lúc này, 3 cán bộ trong Tổ giao dịch của NHCSXH mới được ăn bữa trưa (bánh mì hoặc xôi mang theo).
Trong suốt 7 giờ liên tục làm việc, 3 cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Tuần Giáo phải thực hiện một khối lượng lớn với các công việc từ phát tiền vay, thu nợ, thu lãi, chi trả chi phí ủy thác, huy động tiền gửi tiết kiệm đến thực hiện các nghiệp vụ xử lý rủi ro, nợ quá hạn và chia sẻ kinh nghiệm, động viên, tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay… Tất cả đều nhịp nhàng, thuần thục, không sai sót. Tất cả đều gói gọn trong một cửa: Điểm giao dịch xã.
Khi được hỏi, những cán bộ tín dụng này làm việc có tốt không, có làm anh hài lòng không? Anh Giàng A Sùng ở bản Pú Xi 2 không ngần ngại cho biết: “Cán bộ nhiệt tình lắm, lại tốt bụng nữa. Cán bộ đến, cho vay tiền để mua trâu, lại bày cho cách nuôi thế nào để trâu mau lớn, không bị bệnh… nên lúc nào chúng tôi cũng mong họ đến, coi như người nhà”.
Nói về hoạt động giao dịch tại xã, Chủ tịch UBND xã Pú Xi Thào A Tú cho hay, NHCSXH huyện Tuần Giáo triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người nghèo. Sau khi giao dịch xong, cán bộ ngân hàng lại công khai kết quả, qua đó người dân sẽ biết được hộ nào được vay mới, theo chương trình gì; hộ nào đã trả hết nợ; số lãi mà mỗi hộ phải nộp tháng tới…
“Nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH với thủ tục đơn giản, thuận tiện, thì chẳng biết các hộ nghèo tại xã bao giờ mới thoát được nghèo. Đặc biệt, phương thức giao dịch này rất có lợi cho các hộ đồng bào không biết đọc, biết viết; vì họ hoàn toàn có thể tin tưởng vào cán bộ tín dụng hoặc Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của mình xử lý giúp”, ông Tú nói.
Thực hiện trên 85% tổng giá trị giao dịch
Thông qua mạng lưới Điểm giao dịch xã và hoạt động của Tổ giao dịch của NHCSXH, trên 85% tổng giá trị giao dịch của ngân hàng với người nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện một cách thuận lợi tại xã, tổng dư nợ cho vay đến nay đạt trên 194 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ vay. Thông qua hoạt động này, NHCSXH còn cung cấp dịch vụ gửi tiết kiệm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và cả người dân ngay tại nơi cư trú của họ một cách tiện ích.
“Được chứng kiến nhiều phiên giao dịch tại xã, phường của NHCSXH, điều mà chúng tôi nể phục cán bộ NHCSXH nhất là sự dẻo dai. Các hộ vay, mỗi hộ một hoàn cảnh, mỗi người một tính cách, mỗi người một trình độ nhận thức… Để chuyển tải được đồng vốn ưu đãi đến với các đối tượng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thì mỗi cán bộ tín dụng, mỗi người nhận ủy thác trong các tổ chức hội, đoàn thể phải kiêm nhiệm nhiều vai: Kế toán, thủ quỹ, tuyên truyền, kỹ sư…, thậm chí là phải dỗ dành, động viên các hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, rất ít trong số họ bỏ nghề. Bởi, mỗi khi có thông báo hộ A, hay B, C nào đó ra khỏi danh sách hộ nghèo thì chúng tôi lại thấy tràn trề năng lượng làm việc”, Phó giám đốc NHCSXH huyện Tuần Giáo, Tòng Hữu Yên tâm sự.
Có lẽ, điều này lý giải vì sao Điểm giao dịch xã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ghi nhận tại Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 về Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo: “Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo”.