Dòng chảy tín dụng vào nông nghiệp vẫn còn ách tắc
- Thứ bảy - 29/07/2017 10:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vốn cho nông nghiệp
Từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng nhằm giúp bà con nông dân đổi mới công nghệ sản xuất. Sau đó, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vào cuộc rất nhanh, khi chỉ đạo được 8 ngân hàng thương mại (NHTM) với số vốn đăng ký 120.000 tỷ đồng dự tính đưa vào chương trình này. Theo đó, từng khu vực, từng quy mô, từng vùng theo quy định sẽ được hưởng lãi suất chênh lệch với lãi suất cho vay thương mại bình thường trong nông nghiệp từ 0,5-1,5%.
Trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, đã tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn như tín dụng cho ngành công nghiệp tăng 10,34%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,12%; nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 9,9%…
Theo thống kê, xuất khẩu nông sản (gạo, rau quả, hạt điều, chè, cà phê, hạt tiêu, sắn, cao su) năm 2016 đạt 15 tỷ USD. Trong giai đoạn 5 năm từ 2012-2016, xuất khẩu nông sản tăng trưởng khá cao, bình quân 12,8%/năm. Như vậy, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản đã vượt kim ngạch của xuất khẩu dầu thô năm 2016 khi ngành này chỉ đạt 2,35 tỷ USD, giảm 36,7% so với cùng kỳ.
Từ sự vượt lên của rau quả so với dầu thô trong nền kinh tế, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần phải có chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao mạnh mẽ hơn, nhằm khai thác hết những tiềm năng của ngành nông nghiệp - nuôi sống 60% dân số Việt Nam.
Cần khơi thông nguồn vốn chảy vào nông nghiệp sạch. |
Vẫn khó giải ngân
Tuy nhiên, việc giải ngân gói 100.000 tỷ đồng này đã có một số vướng mắc. Điều kiện để ngân hàng giải ngân cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng còn vướng một số thủ tục pháp lý.
Gói tín dụng đột phá nhưng việc giải ngân vẫn là một bài toán khó. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng các tiêu chuẩn để tiếp cận gói tín dụng vẫn chưa rõ ràng về đối tượng, tiêu chí vay vốn, thế chấp tài sản ra sao, lãi suất, hạn mức vay…
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất thông thường cùng kỳ hạn, mang lại nhiều hy vọng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, đến nay, những khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chí đánh giá dự án, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao; yêu cầu, quy định tiếp cận nguồn vốn, tài sản bảo đảm, lãi suất… vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thì phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất, việc tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hẳn sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, (NHNN), cho rằng tín dụng đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi mới song chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi khai thác dự án.
Cùng với đó, ông Hùng cho rằng hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Tài sản thế chấp cũng là một trong những khó khăn để tín dụng chảy vào nông nghiệp công nghệ cao. Ông Hùng nhấn mạnh, việc các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới… chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nhanh chóng sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
Ông Hùng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần tăng cường đưa ra các đánh giá, dự báo và cảnh báo về thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Về lâu dài, đầu ra cho nông sản được ổn định thì chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng mới đạt hiệu quả.
Theo Mai Trinh/thanhnien.vn