Dòng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được khơi thông

Dòng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được khơi thông
Khác với những yêu cầu ngặt nghèo trước đây, với Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi doanh nghiệp không cần giấy chứng nhận, chỉ cần có phương án, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vẫn có thể được vay tín chấp từ ngân hàng lên tới 70% giá trị dự án.

Doanh nghiệp thở phào

 

Giải pháp về vốn là động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh TL)

Bên cạnh những doanh nghiệp đã có thương hiệu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Vineco, Hoàng Anh Gia Lai, TH, Vinamilk, cũng đã xuất hiện những tên tuổi mới như Công ty CIC với hơn 1.000 ha trồng cacao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel vào vùng đất cằn cỗi Easup (Đắk lắk), Công ty Sữa Nutifood đầu tư vào lĩnh vực cà phê, hay Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật.

Tuy nhiên, hầu hết những doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đều là những doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, xu hướng đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp vẫn là khát vọng của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, của các nông dân mong muốn đi theo hướng nông nghiệp sạch. Thế nhưng vấn đề vốn đầu tư, đất sản xuất… luôn là rào cản khiến họ chùn bước.

Trước thực tế đó, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông thôn mới được ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, không cần giấy chứng nhận, chỉ cần có phương án, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp vẫn có thể được vay tín chấp từ ngân hàng lên tới 70% giá trị dự án. 

“Căn cứ chắc chắn để ngân hàng cho vay phải là phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ, chứ không phụ thuộc việc doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hay không. Quy định trên giúp ngân hàng không chịu sức ép trong cho vay, nhưng tăng trách nhiệm trong thẩm định dự án cho vay hiệu quả để hạn chế rủi ro tín dụng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định.

Mặt khác, nếu như trước đây, mặc dù doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng cho nhà kính, nhà lưới, nhưng không được sử dụng để thế chấp thì nay, Nghị định đã cho phép doanh nghiệp sử dụng các tài sản trên để bảo đảm cho vốn vay trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy, theo các chuyên gia kinh tế thì những sửa đổi của Nghị định trên đã thực sự khai thông được dòng tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ngân hàng yên tâm hơn

 

Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu (Ảnh TL)

Về phía ngân hàng, theo đánh giá của đại diện một ngân hàng thương mại thì với Nghị định sửa đổi này, ngân hàng cũng cảm thấy yên tâm hơn khi có thêm những ràng buộc với người vay. Đơn cử, với mô hình vay theo chuỗi, Nghị định mới đã quy định khắt khe hơn.

Cụ thể, theo Nghị định 116, để vay vốn theo chuỗi, tổ chức đầu mối của chuỗi và các đơn vị, cá nhân tham gia liên kết phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay, cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị qua các tài khoản này. Quy định này giúp ngân hàng có thể kiểm soát rủi ro tốt hơn, từ đó mạnh dạn cho vay tín chấp hơn.

“Trước đây, dù ký kết thỏa thuận vay theo chuỗi, song doanh nghiệp khi có doanh thu lại chuyển tiền sang tài khoản khác, khiến ngân hàng không quản lý được. Việc một số mô hình vay theo chuỗi tại Đồng bằng sông Cửu Long phá sản khiến ngân hàng mất vốn thời gian qua xuất phát từ tình trạng này”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, với sự cởi trói về cơ chế, các nhà băng sẽ bớt ngại ngần cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề còn lại là có nhiều dự án khả thi để cho vay hay không. 

Trước đó, Agribank phát đi thông tin, dự kiến dành cho gói tín dụng này là 50.000 tỷ đổng, với nhiều mức cho vay khác nhau. Vietcombank đăng ký gói tài trợ 10.000 tỷ đồng với những ưu tiên về nhận tài sản bảo đảm và ưu đãi lãi suất. Trong thời gian từ tháng 4 - 7/2017, tổng lượng vốn hơn 2.500 tỷ đồng đã được ngân hàng giải ngân cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, như 600 tỷ đồng cho nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ…

Cùng với đó, Vietinbank cũng dành nguồn vốn 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến 30/4, tổng dư nợ cho vay trong ngành nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan khoảng 95.000 tỷ đồng; trong đó dư nợ tài trợ cho nông nghiệp công nghệ cao khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhiều dự án đã được giải ngân và đang trong quá trình triển khai như dự án nhà máy chế biến rau củ trái cây Lavifood tại Tây Ninh, dự án chăn nuôi bò của Hòa Phát tại Quảng Bình, chăn nuôi heo tại Hòa Phước, Bình Phước… Hiện chưa phát sinh khoản nợ quá hạn nào.

Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng các lĩnh vực rủi ro và tập trung đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực sản xuất, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Như vậy có thể thấy, với những chính sách thuận lợi, dòng tín dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cáo trong thời gian tới hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ.

Tác giả bài viết: Minh Thùy

Nguồn tin: congluan.vn