Đột phá chính sách giúp ngư dân bám biển

Đột phá chính sách giúp ngư dân bám biển
Ngày 29-5, Chính phủ đã nghe Bộ NN&PTNT trình dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đến năm 2020.
Ngư dân đang rất cần những con tàu  vỏ thép để đánh bắt xa bờ
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, quy định mới phải tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá cho phát triển thủy sản bền vững;  gắn phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản với bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất 6 nhóm chính sách mới để tập trung phát triển thủy sản. 

Cụ thể, về chính sách đầu tư, Nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá loại I, tất cả các khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; đầu tư 100% kinh phí xây dựng toàn bộ hạng mục hạ tầng cảng cá, khu neo đậu ở các đảo; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển. Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư tối đa không quá 90% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu cho cảng cá loại II và 100% kinh phí đầu tư trạm bờ, trang bị thiết bị đầu cuối trên các tàu cá hoạt động xa bờ.

Về chính sách tín dụng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Ngư dân sẽ được vay mức lãi suất tối đa 3%, còn lại ngân sách địa phương hỗ trợ bù lãi suất. Bên cạnh đó mức lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được quy định ưu đãi hơn. Mức vay cao nhất lên tới 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 70% giá trị dự án vay đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị). Thời hạn vay là 10 năm đối với tàu vỏ thép, 7 năm đối với tàu vỏ gỗ. Lãi suất tối đa 3%/năm, thời gian ân hạn 1 năm. Tài sản thế chấp được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay. 

Cùng với đó, chính sách bảo hiểm và hỗ trợ khắc phục rủi ro trên biển cũng có điều chỉnh lớn. Cụ thể, có hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người  cho thuyền viên trên tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ; Hỗ trợ 1 lần cho gia đình có người chết, mất tích khi lao động trên biển tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15 kg gạo/tháng/người trong thời gian 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, những người thân khác (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi hoặc mất khả năng lao động, sống phụ thuộc trực tiếp vào người lao động bị chết, mất tích... 

Ngoài ra, còn một số chính sách quan trọng khác như miễn học phí cho học viên, sinh viên chuyên ngành khai thác thủy sản; Hỗ trợ 100% học phí học nghề; sinh hoạt phí với mức 50.000đ/người/ngày cho lao động trực tiếp khai thác hải sản trong thời gian học nghề...

Theo tính toán sơ bộ của Bộ NN&PTNT, các đối tượng được hưởng chính trên cơ sở số liệu tàu cá và diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay là 117.116 tàu, trong đó, tàu cá xa bờ (hơn 90 mã lực) có 28.561 tàu; diện tích nuôi tôm nước lợ 680.000 ha và cá tra 6.000 ha. Theo đó, ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng lớn nhất, ước tính lên tới 20.000 tỷ đồng, giai đoạn 2015-2020. Phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 435 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng cho vay lãi suất thấp là 10.000 tỷ đồng.
 
Theo anninhthudo.vn