Dự án Luật Du lịch sửa đổi: Bắt buộc ký hợp đồng lữ hành bằng văn bản là không thực tế
- Chủ nhật - 20/11/2016 09:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đại biểu cho rằng, cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và với chính sách phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Đảng và Nhà nước thì việc sửa đổi Luật Du lịch là cần thiết; qua đó đảm bảo một hành lang thông thoáng, với cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) góp ý dự án Luật Du lịch (sửa đổi)
Tuy nhiên, về kết cấu, nên bổ sung chương nguồn nhân lực du lịch với lý do việc quản lý, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch, trong đó việc quy hoạch nguồn nhân lực, đề ra chính sách, quy chuẩn chương trình, điều kiện đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch là hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong Luật du lịch 2005 được đề cập rất ít, dự thảo Luật sửa đổi có bổ sung thêm được một số nội dung, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện được các vấn đề cơ bản của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Đề nghị Ban soạn thảo Luật Du lịch sửa đổi, bổ sung thêm chương riêng: “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” tạo điều kiện cơ sở pháp lý hỗ trợ cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường và hội nhập.
Chương I, điều 3, giải thích từ ngữ: nên xem lại một số thuật ngữ. Điều 8 quy định về sản phẩm du lịch “là tập hợp các giá trị tài nguyên du lịch và dịch vụ cần thiết nhằm thõa mãn nhu cầu của khách du lịch” là chưa đầy đủ và bao quát hết được phạm vi điều chỉnh của sản phẩm du lịch, vì sản phẩm du lịch ngoài dịch vụ, tài nguyên du lịch còn bao gồm cả hàng hóa (hàng hóa được coi là mặt bề nổi của du lịch), đề xuất nên đưa hang hóa vào thêm trong sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, do đặc thù kinh doanh và khách du lịch quốc tế khác với trong nước, khoản 10 điều này cũng nên làm rõ thuật ngữ: “kinh doanh lữ hành quốc tế” và “kinh doanh lữ hành nội địa”.
Điều 6, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, dự thảo Luật chỉ mới đề cập:“1. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được thành lập để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch Việt Nam”, thì khoản 2 giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Việc quy định như trên là chưa thỏa đáng đối với nguyên tắc xây dựng Luật: “rõ ràng, dễ hiểu, dễ sử dụng”, chưa làm rõ được nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nguồn hình thành hay phương thức hoạt động,….
Đề xuất, cần quy định rõ việc thành lập quỹ và tổ chức quản lý – điều hành; quy định nguồn tài chính của quỹ là từ hỗ trợ của NSNN và tài trợ, đóng góp tự nguyện.
Điều 42, Hợp đồng lữ hành, khoản 2, quy định: “Hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản”, là chưa phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện hiện nay.
Sản phẩm du lịch rất đa dạng, có những sản phẩm tour trọn gói, có những sản phẩm mua từng phần dịch vụ. Đối tượng khách hàng rất đa dạng và từ nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Do đó, việc bắt buộc kí hợp đồng lữ hành bằng văn bản là không thực tế và gây khó khăn cho du khách. Trong khi đó, hoạt đông thương mại điện tử và thanh toán online đã trở thành một xu hướng của xã hội hiện đại. Chính phủ đang khuyến khích các ngành tang cường các hoạt động thương mại điện tử.
Đại biểu kiến nghị dự thảo Luật không nên tiếp tục quy định bắt buộc hợp đồng lữ hành phải lập thành văn bản mà có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau. Để bảo vệ quyền lợi của du khách tránh những rủi ro cho du khách bởi những hành vi không minh bạch, nên bổ sung các chế tài cho những công ty vi phạm.
So với Luật 2005, Dự thảo Luật Du lịch bỏ tương đối nhiều điều quan trọng, như thẩm định lại cơ sở lưu trú, xếp hạng sao của các cơ sở lưu trú du lịch, văn phòng xúc tiến du lịch, thanh tra du lịch. Đề nghị nên bổ sung vào dự thảo Luật.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn: Báo Hà Tĩnh