Du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ vọng hướng đi mới

Du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ vọng hướng đi mới
Du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hướng đi được tỉnh xác định ưu tiên. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xúc tiến theo hướng này, mạnh dạn đầu tư xây dựng những mô hình nông nghiệp sạch, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch. Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Đắk Nông cuộc trao đổi về hướng đi này.

PV: Thưa đồng chí, những năm qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh ta xác định như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

 

 

 

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

 

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã xác định việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, phát triển du lịch là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đã được xác định trong các Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh luôn xác định mỗi bước đi phát triển kinh tế - xã hội đều gắn với việc phát triển du lịch tại địa phương.

PV: Du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi mới của tỉnh, đồng chí đánh giá gì về hướng đi này?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Nông nghiệp là chủ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã và đang tìm đến Đắk Nông và xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là một hướng đi rất đúng đắn và đúng định hướng của tỉnh.

Bởi vì làm du lịch thì phải tìm ra những sản phẩm mới và sản phẩm này phải dựa trên lợi thế vốn có của tỉnh như: Thổ nhưỡng, khí hậu... Du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi mới. Tuy nhiên, đó là cách thức để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, để du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và ngành du lịch của tỉnh cần phải làm gì?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Để xây dựng và phát triển thành công mô hình du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, hai ngành nông nghiệp và du lịch phải phối hợp, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau.

Trong đó, ngành nông nghiệp cần tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sớm được chứng nhận các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap, an toàn vệ sinh thực phẩm... Ngành du lịch cần phải phối hợp với ngành nông nghiệp xác định các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có khả năng phục vụ cho việc phát triển du lịch canh nông trên địa bàn.

Ngoài việc tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia vào mô hình du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành du lịch phải xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ để xây dựng và ngày càng nâng cao văn hóa du lịch.

PV: Tỉnh bạn như Lâm Đồng rất mạnh về nông nghiệp công nghệ cũng như kết hợp các mô hình này để phát triển du lịch. Hướng đi sắp tới của chúng ta sẽ như thế nào để tạo ra những sản phẩm độc đáo và bền vững?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Lâm Đồng là một địa phương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất sớm và mạnh. Tỉnh ta ở cạnh Lâm Đồng, đó là điều kiện thuận lợi để chúng ta học hỏi được kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình này. Tuy nhiên, mỗi địa phương có ưu thế riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội… nên chúng ta phải xác định làm sao để phát huy được lợi thế của mình. Căn cứ vào những điều kiện tự nhiên vốn có của tỉnh, chúng ta phải xây dựng được những mô hình có điểm mạnh, có sản phẩm riêng cho nông nghiệp Đắk Nông.

Trong quá trình kết hợp giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng từng điểm du lịch theo mô hình này chứ không phải ồ ạt mở rộng số lượng. Những mô hình nào thật đẹp, thật sạch và chuẩn sinh thái thì chúng ta mới đưa vào khai thác du lịch, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu làm được điều này thì chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ thu hút và “giữ chân” được khách du lịch đến với Đắk Nông.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Lê Phước/baodaknong.org