Du lịch nông thôn - hướng phát triển đầy tiềm năng

Du lịch nông thôn - hướng phát triển đầy tiềm năng
Du lịch nông thôn hiện nay có vị trí quan trọng trong xu thế hội nhập và phát triển. Nông thôn nước ta còn có nhiều điểm du lịch, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ thống làng nghề đa dạng. Là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, ẩm thực mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.
Đây là những điểm tạo nên bức tranh của nông thôn Việt Nam phong phú, đa dạng, một tiềm năng du lịch lớn, mang lại lợi ích cho đất nước. Phát huy được tiềm năng này, khai thác và phát triển du lịch nông thôn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các nhà kinh doanh du lịch mà còn tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Nhằm phát huy tiềm năng du lịch đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, tỉnh Nghệ An đã lựa chọn hai huyện Con Cuông và Quỳ Châu để xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Đây là hai huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhiều điểm du lịch, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ thống làng nghề đa dạng, là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nông thôn kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
 
Hiện tỉnh đang tiến hành các giải pháp đầu tư bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch kết hợp khai thác và xây dựng mô hình dịch vụ nhà nghỉ tại các bản, làng; khôi phục và phát triển nghề thủ công. Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu, lựa chọn điểm dừng chân cho khách du lịch nghỉ ngơi giữa các chặng từ Vinh đi Quỳ Châu, Con Cuông và từ Vinh đi tham quan các huyện khác thuộc miền Tây Nghệ An.
 
Tại tỉnh Bạc Liêu, với khá nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp như: vườn nhãn cổ, vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải), vườn chim Phong Thạnh Tây (TX. Giá Rai), vườn chim huyện Phước Long, đặc biệt vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) nằm trong trung tâm thành phố đang được đầu tư khai thác phát triển. Bên cạnh đó, các vùng sinh thái rừng phòng hộ ven biển; các trang trại nuôi trồng của các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp; làng nghề làm nông cụ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), làng nghề đan đát Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Gành Hào, làng nghề truyền thống muối Kinh Tư - Long Điền Tây (huyện Đông Hải), tuyến đường sông Vàm Lẽo (huyện Vĩnh Lợi)… đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh du lịch nông thôn và đang được tỉnh định hướng đầu tư để phát huy tối đa lợi thế.
 
Nhiều người dân nông thôn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và phát triển các loại hình du lịch nông thôn như nhà hàng nông gia một số cơ sở đã có thương hiệu “Quán Hai Lúa”, cà phê “Hương Quê”, “Hương Đồng”, “Sông Quê”, “Quê Biển”, quán nhậu “Tư Ếch”, bành xèo “A Mật”, “Tư Ù”; các cơ sở dịch vụ nông thôn được lấy tên theo địa danh, tên người hay theo lối suy nghĩ cảm nhận ngộ nghĩnh “Chân quê” rất ấn tượng…
 
Dịch vụ ẩm thực tại nhà người dân sử dụng rau và các loại thực phẩm tại nông thôn, dịch vụ Homestay lưu trú tại nhà dân, được trải nghiệm chính cuộc sống của người dân, trải nghiệm với mua sắm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, giao lưu với nghệ nhân thông qua kỹ năng tài nghệ hoàn thiện các sản phẩm, trình độ của người dân tái hiện lịch sử văn hóa nông thôn thông qua các buổi trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử, Nói thơ Bạc Liêu, Hò chèo ghe…tham quan cảnh quan môi trường sông nước, các chương trình trải nghiệm học tập kiến thức nông nghiệp, giao lưu với nông dân… rất hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
 
Tại xã Yên Đức, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), những công việc nhà nông như: xay thóc giã gạo, úp nơm bắt cá đã trở thành các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Người hướng dẫn, trực tiếp tham gia trải nghiệm cùng du khách không ai khác chính là những người nông dân.
 
Sự phát triển của mô hình du lịch tại Yên Đức đã góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống người dân nơi đây. Người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, được đóng bảo hiểm hàng năm và có ngày nghỉ hàng tháng. Từ chỗ ban đầu chỉ có 8 người, hiện nay, xã Yên Đức có trên 30 người tham gia làm du lịch, đều là những người nông dân ở địa phương. Họ có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác nhau phục vụ du khách. Đặc biệt, người dân ở đây hiện đều được đào tạo kỹ năng về tiếng Anh, có thể trò chuyện trực tiếp với người nước ngoài như những hướng dẫn viên thực thụ.
 
Tỉnh Hòa Bình từ lâu được xem là thiên đường hấp dẫn chưa được khám phá với 4 mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động và kho tàng văn hóa phong phú của 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống: Mường, Kinh, Tày, Dao, Mông, Hoa. Điều hấp dẫn du khách trong và ngoài nước không chỉ có tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với núi non hùng vĩ, những hang động có nhiều thạch nhũ, đến Hòa Bình, du khách được hòa mình vào nếp sống, sinh hoạt truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc; tìm hiểu và thưởng thức không gian văn hóa qua các điệu thường dang, bọ mẹng của người Mường; điệu khặp của người Thái; điệu khèn của người Mông làm say đắm lòng người...; khám phá những món ăn truyền thống, như: cơm lam, canh đắng, thịt nướng cùng say men rượu cần và thưởng thức những điệu múa... của người Mường, Thái.
 
Xã Phong Phú (Tân Lạc) đã phát triển du lịch cộng đồng (Homestay) dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương. Homestay là loại hình du lịch độc đáo, phát huy lợi ích cao nhất ở các vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có sức cuốn hút với nhiều du khách nước ngoài. Điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa. Du lịch homestay chọn nhà dân bản địa cho khách du lịch nghỉ chân và "ba cùng": cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi với gia chủ. Qua đó, khách du lịch có thể tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, đời sống, con người hay ẩm thực; tận hưởng trọn vẹn không gian văn hóa truyền thống của địa phương, trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính mình.
 
Loại hình du lịch homestay từ hơn chục năm nay không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người  dân ở bản Lác, Pom Coọng (Mai Châu), Giang Mỗ (Cao Phong)... Mới đây, nhiều xóm, bản của tỉnh đã liên kết với các công ty dịch vụ lữ hành để phát triển du lịch cộng đồng, đón khách đến nghỉ dưỡng, thăm quan. Tỉnh cũng đã công nhận 7 điểm du lịch địa phương tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong. Trong đó, đáng chú ý là xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đã được Bộ VH -TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước. Đầu năm 2014, xóm Ải được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để người dân xóm Ải và vùng Mường Bi tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
 
Phát triển loại hình du lịch cộng đồng không chỉ mang đến lợi nhuận kinh tế cho nhiều phía mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hoá, con người Việt Nam một cách hiệu quả và chân thực nhất. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này thực sự hiệu quả và bền vững, đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch và người dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ, toàn diện. Cần có những chính sách riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình tham gia làm du lịch, quy hoạch, tổ chức xây dựng xóm du lịch cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực…
Theo Trịnh Thái/hoinongdan.org.vn