Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp: Làm gì để tạo bước đột phá?

Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp: Làm gì để tạo bước đột phá?
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2017, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trong top 10 thế giới và đứng đầu châu Á. Trong đó, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp có sức hút, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp: Làm gì để tạo bước đột phá?
Ảnh minh họa từ internet.

Đơn cử như TP HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Riêng khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi với diện tích 88ha; ba năm qua lượt du khách đến tăng lên 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017). Hoặc tỉnh Quảng Nam, năm 2017 đã đón được gần sáu triệu lượt khách, tăng 85.1% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng. 

“Du lịch ở vùng nông thôn mục đích chính là phương thức xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập, sinh kế ổn định cho bà con nông dân, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn”, ông Hoàng Hoa Quân, đại diện Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết. 

Được biết, Quảng Nam đã thành lập Đề án “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020”. Ngoài ra, Sở còn tham mưu UBND và HĐND tỉnh phê duyệt “Đề án quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, nhằm hỗ trợ đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng, trong đó có làng rau Trà Quế.

Nằm cách trung tâm TP Hội An 3km về hướng Đông Bắc, làng rau Trà Quế Hội An, không chỉ có thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao, mà còn  được xem như điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến với làng rau Trà Quế, du khách có thể hóa thân thành những nông dân thực thụ, với dép lê, nón lá được chính những người nông dân nơi đây truyền đạt lại, để cùng với bà con Trà Quế tự tay trồng rau, tưới nước, cưỡi trâu đi dạo quanh làng… rồi sau đó thưởng thức những đặc sản dân quê.

Cụ Nguyễn Thị Xim (75 tuổi, làng rau Trà Quế) với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng rau cho biết, làng rau Trà Quế có 2 vụ, vụ đông từ tháng 11 đến tháng 3 và vụ hè từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Đến du lịch tại làng rau Trà Quế, du khách có thể được dạo quanh làng bằng xe đạp, bằng thuyền, được tận mắt chứng kiến nông dân trồng và chăm sóc rau. “Những năm gần đây nhờ việc trồng rau kết hợp với du lịch mà thu nhập của tôi tăng lên đáng kể. Ngoài việc sản xuất rau bỏ cho các nhà hàng, siêu thị, tôi còn có thể tiếp 3-4 đoàn khách du lịch đến thăm vườn, tiền hoa hồng tôi nhận được từ 300-500 nghìn đồng/ngày”, bà Xim tiết lộ.

Ông Trang Thanh Hùng, Trưởng thôn Trà Quế kiêm quản lý làng rau chia sẻ, thời gian qua làng nghề sản xuất rau Trà Quế phát triển mạnh, kết hợp với du lịch sinh thái đã giúp cho bà con phấn khởi nhờ nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay còn do bà con chưa liên kết được nhiều với các công ty lữ hành, mặt khác trình độ dân trí của bà con nông dân khó có thể liên kết, từ khâu sale du khách đến với vựa rau của mình. Do vậy, hiệu quả vẫn chưa đạt như mong đợi. 

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu, những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh luôn tăng trưởng ở mức ổn định với giá trị sản xuất dao động từ 12-13 nghìn tỉ đồng/năm. Đối với ngành du lịch, Quảng Nam luôn tăng trưởng từ 10-15%/năm và thu nhập gần 9.500 tỉ đồng/năm.  “Mặc dù đã có bước phát triển tốt, thế nhưng du lịch Quảng Nam vẫn chưa khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh tin tưởng sự kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo”, ông Thanh nói. 

 

Tác giả bài viết: Anh Vũ

Nguồn tin: baophapluat.vn