Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 24% dư nợ tín dụng nền kinh tế
- Thứ sáu - 12/10/2018 05:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 14.10 tới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt". Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Ipsard) phối hợp thực hiện.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện NHNN cho biết nông nghiệp, nông thôn (NNNT) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã đề ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Thời gian quan, NHNN luôn xác định đây là lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng và đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực này, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả đạt được
Một số chính sách hỗ trợ lĩnh vực NNNT phải kể đến như chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từ 100 triệu đồng đến tối đa 3 tỷ đồng; lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thấp hơn từ 0,5%-1,5% so với lãi suất thông thường
Đặc biệt, ngành ngân hàng cũng ban hành cơ chế xử lý nợ đặc thù đối với khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng; nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, khoanh nợ. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, xem xét tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất đối với khách hàng gặp rủi ro, thiệt hại vốn vay do thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, thực hiện gia hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2018 đối với một số nhu cầu vốn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đại diện NHNN, với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ với dư nợ đến nay đạt 1.648.360 tỷ đồng (đã bao gồm cả dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của NHCSXH gần 172 tỷ đồng), tăng 12% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 23,9% dư nợ tín dụng nền kinh tế; trong đó: dư nợ cho vay thu mua, tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu) đạt 223.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay chế biến, bảo quản nông sản đạt 109.043 tỷ đồng.
Dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 16.800 khách hàng; dư nợ cho vay mô hình liên kết chuỗi giá trị đạt trên 7.000 tỷ đồng. Dư nợ đối với một số sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như lúa gạo tăng gần 18%, cà phê tăng 16,73%, thủy sản tăng khoảng 19%...
Những kết quả hoạt động tín dụng ngân hàng nêu trên đã góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng 3,93%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Không ít khó khăn
Tuy nhiên, NHNN cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng cho sản xuất xuất khẩu hàng nông sản.
Thứ nhất, thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu mà Đề án theo Quyết định 899/QĐ-TTg đề ra về đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ cao, ảnh hưởng đến thương hiệu, hạn chế sự cạnh tranh hàng nông sản Việt không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường nội địa. Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, thiếu liên kết, chuỗi liên kết gia tăng giá trị sản phẩm chưa được tổ chức và phát triển hợp lý. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, thực tế hiện nay cả nước chỉ có khoảng 300/700 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả.
Trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Trên 96% doanh nghiệp nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng suất lao động thấp, chỉ bằng 38% năng suất lao động chung cả nước.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế còn hạn chế với chỉ 5% doanh nghiệp nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGap và tương đương; chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả; số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn hạn chế.
Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch sản xuất chưa hiệu quả; tác động tiêu cực từ chính sách
NHNN luôn đồng hành cùng NNNT
Khó khăn là vậy song phía NHNN vẫn luôn đưa ra khẳng định, trong thời gian tới ngành ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; kịp thời có văn bản hướng dẫn các TCTD triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 116/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, đặc biệt là cho vay liên kết chuỗi giá trị và cho vay các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên để chính sách tín dụng phục vụ phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, góp phần gia tăng chất lượng, giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, đại diện NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ban ngành nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Luật đất đai, Luật công nghệ cao… để tạo điều kiện phát triển một nền nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường
Tại các địa phương, cần nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường; đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương và cả nước; chủ động quảng bá các sản phẩm lợi thế của địa phương; Đẩy mạnh các liên kết vùng, liên vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Theo Dân Việt