Dự thảo Luật Thủy lợi: Lo không đủ sức chi phí hỗ trợ 10 triệu hộ
- Thứ năm - 08/06/2017 20:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
10 triệu hộ dân được thụ hưởng
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến là quy định tiền hỗ trợ toàn bộ cho các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo được quy định tại Điều 37 của dự luật. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, theo quy định của dự thảo luật số đối tượng thụ hưởng sẽ rất lớn có thể đến hàng 10 triệu hộ, vì có tới 65% dân số nước ta sống về nông nghiệp, sức ép về chi trả sẽ rất lớn.
ĐB Lê Văn Thành (Lạng Sơn) đề nghị nên thiết kế theo hướng quy định việc miễn, giảm phù hợp cho các nhóm đối tượng. Ảnh: Đàm Duy
Một là hỗ trợ cho những người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm. Hai là diện tích được hỗ trợ tùy theo khả năng có thể trong hạn điền, được quy định trong Luật Đất đai. Cụ thể là 3ha với vùng đồng bằng, 2ha với vùng khác, cũng có thể 50% của mức hạn điền đó. Đừng nên ban hành chính sách để tạo ra sự ỷ lại”. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) |
“Thêm nữa là tính phức tạp cho việc chi trả mức chi trả theo hộ, theo nhân khẩu, theo diện tích sử dụng hay theo khối lượng nước, trong khi các thông số này biến động liên tục và khó xác định. Tính công bằng sẽ xác định thế nào với hộ sử dụng nhiều, hộ sử dụng ít và những nơi mà hộ không có công trình thủy lợi. Theo tôi, đây là một chính sách rất quan trọng cần có tính thực tiễn cao. Do vậy nên thiết kế theo hướng quy định việc miễn, giảm phù hợp cho các nhóm đối tượng và có căn cứ vào diện tích sử dụng để đảm bảo tính hợp lý, công bằng, giảm thiểu những phức tạp cũng như khả năng bảo đảm của ngân sách” - ĐB Thành góp ý.
Nói về đối tượng được hỗ trợ, ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) đề nghị cần bổ sung quy định hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. “Hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp thường là những hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, vì vậy, cần được xem xét để được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích, thủy lợi” - ĐB Kim Nhung nói.
Cách tiếp cận chưa khả thi
Cũng đề cập đến Điều 37, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng Quốc hội cần nghiên cứu để có quy định khả thi. “Cách tiếp cận trong luật là không khả thi và chi phí để tuân thủ quy định này còn cao hơn hiệu quả chúng ta đạt được. Nếu tiếp cận theo đối tượng sản xuất lúa màu hay cây lương thực để hỗ trợ không ổn, vì các đối tượng này luôn có sự thay đổi, có thể lúc họ trồng rau, có thể cấy lúa, vậy lúc nào miễn, lúc nào hỗ trợ. Tiếp cận theo hoàn cảnh kinh tế và dân tộc thiểu số càng khó khăn nữa, vì thế nào là nghèo, cận nghèo, đối tượng này biến động thường xuyên, vùng đặc biệt khó khăn cũng biến động thường xuyên phải rà soát” - ĐB Sinh cho biết.
ĐB Sinh đề xuất, một là hỗ trợ cho những người nông dân trực tiếp sản xuất. Hai là diện tích được hỗ trợ tùy theo khả năng có thể trong hạn điền theo quy định của Luật Đất đai, 3ha đối với vùng đồng bằng, 2ha đối với vùng khác, cũng có thể 50% của mức hạn điền đó. “Để đảm bảo sự công bằng đừng nên ban hành những chính sách để tạo ra sự ỷ lại, đặc biệt đối với đối tượng hộ nghèo" - ĐB Sinh bày tỏ.
Đề cập đến quy định các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bổ sung thêm hành vi cấm đó là tự ý tháo, mở, hút nước hồ, đập, kênh mương khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. “Vì thực tế an ninh về nước là cực kỳ quan trọng. Thực tế ở Ninh Thuận chúng tôi ba năm khô hạn vừa rồi phải xử lý vấn đề này, đó là việc cơ quan chức năng mở nước, cung cấp nước để tưới cho những nơi đang cần, bên cạnh đó lại có tình trạng tự ý tháo trộm nước, cuối cùng dẫn đến tranh giành, đánh nhau, mất an ninh, trật tự ở địa bàn. Chính vì vậy, nên bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi tự ý tháo, mở, hút nước ở hồ, đập kênh mương" - ĐB Việt nhấn mạnh.
Theo Lương Kết/ Dân Việt