Đưa IoT trở thành 'nhất thiết phải có' với người nông dân

Đưa IoT trở thành 'nhất thiết phải có' với người nông dân
Thống kê của Mimosa TEK cho thấy, nhờ ứng dụng IoT vào giám sát, điều khiển, phân tích các thông số về nước, độ ẩm, dinh dưỡng, khí hậu... các hộ nông dân có thể tiết kiệm 20-50% chi phí điện, nước, giảm 80-90% công lao động, 10-20% tăng năng suất tùy loại cây trồng.
Hỗ trợ nông dân canh tác
 
Năm 2017 có thể được coi là một dấu mốc đáng nhớ với nhiều ghi nhận dành cho Mimosa TEK, trong đó có nhiều giải thưởng quan trọng như là 1 trong 7 startup nông nghiệp nổi bật ở châu Á theo bình chọn của E27; 1 trong 80 Agritech startup sẽ thay đổi tương lai nông nghiệp thế giới theo bình chọn của CB Insights năm 2017; tổ chức Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Securing Water For Food 2017. Bên cạnh đó, startup này đã có mặt ở nhiều tập đoàn, trang trại nông nghiệp lớn như VinEco, Công ty cổ phần dầu khí phân bón Cà Mau...
 
Những kết quả ấn tượng nêu trên, không thể không nhắc đến ý tưởng tiến bộ và đầy thiết thực của Mimosa TEK ngay từ khi ra đời. Những người sáng lập startup này nhận ra rằng đa phần bà con nông dân canh tác dựa trên thói quen và hoàn toàn thụ động trước những thay đổi của thời tiết, dẫn tới lãng phí nhiều tài nguyên. Đơn cử, việc tưới quá nhiều nước vừa lãng phí lại vừa ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Do đó sản phẩm mà Mimosa TEK đưa ra là giải pháp công nghệ giúp người nông dân tưới lượng nước, phân bón chính xác, giúp họ tiết kiệm tài nguyên cũng như bảo vệ sức khỏe cây trồng, tăng năng suất.
 
Cụ thể hơn, Giám đốc điều hành Nguyễn Khắc Minh Trí cho biết, điều khác biệt khi người nông dân sử dụng sản phẩm công nghệ do Mimosa TEK cung cấp là hằng ngày họ đều nhận được báo cáo từ hệ thống giám sát, điều khiển tự động cũng như phân tích lượng nước cần thiết cho cây theo thời gian thực, với những dữ liệu thu được từ cảm biến liên quan đến môi trường và độ ẩm. Với từng loại cây khác nhau, trong từng giai đoạn sinh trưởng, mỗi ngày hệ thống đều gửi một khuyến cáo riêng về lượng nước cần thiết, nhờ đó giúp người nông dân biết được chính xác phải tưới như thế nào.
 
Ông Nguyễn Khắc Minh Trí (áo trắng) đang hướng dẫn cách sử dụng phần mềm Mimosa TEK cho người nông dân. Ảnh: Lan Anh
Hệ thống Mimosa TEK bao gồm 3 giải pháp: RATA - Giải pháp châm phân tự động qua điện thoại, Fertiflex - Giải pháp quản lý tưới dưỡng chất toàn diện; Greenbox - Giải pháp điều chỉnh khí hậu trong nhà màng. Ba giải pháp này được điều khiển bởi phần mềm quản lý tập trung Mgreen.
 
Theo bà Lê Lan Anh – Giám đốc vận hành, RATA kết hợp giữa thiết bị tự động và phần mềm quản lý tập trung, giải phóng sức lao động hằng ngày liên quan đến việc tưới, châm dưỡng chất và đảm bảo việc sử dụng dưỡng chất một cách chính xác, kiểm soát được mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, với khả năng kiểm soát chương trình dưỡng chất tự động và chi tiết đến từng giai đoạn phát triển của cây trồng, giải pháp quản lý dưỡng chất toàn diện FertiFlex kết hợp giữa tính linh hoạt của thiết bị phần cứng cùng tính thông minh của phần mềm quản lý tập trung nên mang đến hiệu quả tối ưu về việc sử dụng nước tưới và dưỡng chất trong nhà màng.
 
Những công nghệ trên được quản lý bởi hệ thống phần mềm MGreen. Các thuật toán chuyên biệt được áp dụng để phân tích việc sử dụng nước, phân bón và các điều kiện môi trường lý tưởng nhằm đảm bảo việc sử dụng các tài nguyên tiết kiệm nhất đồng thời mang lại năng suất cao nhất.Đặc biệt các dữ liệu từ cảm biến sẽ được lưu trữ phục vụ việc sử dụng tài nguyên suốt vụ mùa.
 
Khi đưa sản phẩm vào ứng dụng, những người thiết kế xác định, Mimosa TEK sẽ trở thành hệ thống hỗ trợ, khuyến nghị, trong khi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về con người. Bởi lẽ, nông nghiệp vốn có nhiều rủi ro, các biến số thay đổi liên tục và rất khó để máy móc thay thế hoàn toàn yếu tố kinh nghiệm của người nông dân. Vì thế, vai trò của người nông dân không bị xóa bỏ mà vẫn hiện diện và được tối ưu hóa trong giải pháp công nghệ mà Mimosa TEK đưa ra.
 
Cụ thể, theo ông Nguyễn Khắc Minh Trí, Mimosa TEK hiện có thể thay người dân tưới nước. Nếu như người dân mất nhiều thời gian kéo ống khắp vườn để tưới thì giờ họ chỉ cần đầu tư một hệ thống nhỏ giọt cùng hệ thống giám sát hoạt động, quản lý và vận hành hệ thống đó. Hệ thống sẽ phân tích điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và giai đoạn vụ mùa phát triển cần thêm bao nhiêu nước và người nông dân với kinh nghiệm của mình sẽ đưa ra quyết định có tưới hay không? Ví dụ như với cây cà phê, nếu người nông dân muốn hãm để hoa không nở, tránh thời tiết xấu hoặc đảm bảo vụ mùa thì sẽ đưa ra quyết định giảm lượng nước tưới, mặc dù hệ thống theo lập trình thực tế có thể vẫn đưa ra cảnh báo ‘tưới nước vì cây đang thiếu’.
 
IoT trở thành ‘must to have’ trong nông nghiệp
 
Là một trong những nông hộ đầu tiên ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) áp dụng hệ thống của Mimosa TEK, ông Hoàng Văn Ninh cho biết, với hơn 1 mẫu đất, gia đình ông trồng chủ yếu là cà chua và dưa leo baby. Trước khi sử dụng hệ thống tưới tự động, mỗi ngày dù làm gì ông cũng phải canh giờ đi mở hoặc đóng van tưới quanh vườn. Nhưng với hệ thống điều khiển qua điện thoại của Mimosa TEK, ông chủ động hơn trong việc tưới nước, đồng thời tiết kiệm tới 50% lượng nước tưới, sản lượng lại tăng lên tới 20-30%.
 
Bà Nguyễn Thị Thùy – Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hộ trồng rau trên giá thể, mỗi ngày phải tưới nhỏ giọt 8 lần. Với 8 lần đi tắt/mở máy bơm, mỗi van ở một khu vực, vậy riêng thời gian canh giờ đã mất cả một công lao động. Cái được nhất mà Mimisa TEK mang lại là giúp nông hộ tiết kiệm thời gian tưới, dành thời gian cho việc khác.
 
Sản phẩm của Mimosa TEK được gắn tại trang trại trồng thanh long. Ảnh: Lan Anh
Theo ông Nguyễn Khắc Minh Trí, hiện Mimosa TEK đã có mặt ở nhiều tập đoàn nông nghiệp nhưng các nông hộ - lực lượng chiếm tỷ lệ lớn nhất ở Việt Nam vẫn còn đang ngần ngại. Hiện, startup này mới có khoảng hơn 100 khách hàng là nông hộ nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
 
Từ năm 2016 đến khoảng giữa năm 2017, Mimosa TEK áp dụng hình thức cho người nông dân thuê hệ thống theo dạng thuê bao. Chi phí thuê máy giám sát độ ẩm, thiết bị điều khiển trung tâm và giám sát độ ẩm đất mỗi tháng từ 300.000-400.000 đồng. Những hộ có diện tích lớn hoặc cần nhiều thông số giám sát hơn sẽ có chi phí lớn hơn.
 
Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 tới nay, bà Lê Lan Anh cho biết, do các nông hộ có xu hướng muốn sở hữu thiết bị, nên Mimosa TEK cải tiến thành mô hình ưu đãi cho mua trả chậm. Chi phí được chia thành 2 đợt thanh toán, mỗi đợt cách nhau 3 tháng. Giá các nông hộ nhỏ đầu tư bộ thiết bị quản lý nước tưới thông minh dao động từ 10-15 triệu đồng cho một vườn diện tích khoảng 5.000m2.
 
Theo thống kê, Mimosa TEK giúp các nông hộ tiết kiệm từ 20% đến 50% chi phí, giảm công lao động tưới đến 80% - 90%, tăng năng suất cây trồng từ 10% đến 20% tùy loại cây trồng; giúp bà con nông dân tăng lợi nhuận của hoạt động sản xuất nông nghiệp.
 
“Tham vọng của chúng tôi là biến IoT trong nông nghiệp từ cái ‘có thì tốt’ sang ‘nhất thiết phải có’ (must to have). Do vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn nên [việc người dùng chịu bỏ tiền đầu tư cho hệ thống của chúng tôi] có thể coi là một cuộc cách mạng làm thay đổi thói quen của họ. Tuy nhiên, chúng tôi xây dựng nhiều lựa chọn giải pháp để người nông dân cởi mở hơn trong việc đầu tư.” - ông Trí nói.