Đưa cây đót trở thành cây trồng kinh tế
- Thứ ba - 26/07/2016 11:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Đinh Minh Thông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa, Chủ nhiệm mô hình trồng cây đót cho biết: Cây đót là cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ, có nhiều công dụng như: bông đót được làm chổi quét nhà, quét vôi ve trong xây dựng, làm đệm, gối. Lá đót dùng để làm thức ăn cho trâu, bò, cho cá (đặc biệt là cá trắm), thân cây đót còn được sử dụng để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ... Chính vì nhu cầu sử dụng cây đót trên thị trường lớn, việc khai thác, thu hái cây đót trong tự nhiên của người dân cũng tăng mạnh.
Nhằm chủ động vùng nguyên liệu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 4 xã biên giới của Minh Hóa là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa có thêm thu nhập từ cây đót, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng mô hình trồng cây đót. Mô hình bước đầu sẽ được thực hiện trồng thử nghiệm tại xã Trọng Hóa, sau đó sẽ được nhân rộng trên địa bàn các xã còn lại.
Cây đót là loại có khả năng chịu hạn, chịu mưa rất tốt, sinh trưởng nhanh và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng. Trọng Hóa và các xã biên giới đều là những xã có diện tích đất rừng lớn. Các xã còn có nguồn lao động nhàn rỗi dồi dào, đặc biệt bà con nơi đây đều có kinh nghiệm từ việc tham gia thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của xã nên rất thích hợp để triển khai mô hình. Mô hình trồng cây đót thành công sẽ góp phần phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, góp phần trong việc phổ biến và nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo được hướng mới trong việc phát triển sản xuất, trồng trọt, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào.
Cây đót phát triển tốt trên đất rừng của xã Trọng Hóa, Minh Hóa. |
Sau khi chọn 2 hộ dân gia đình ông Hồ Thoong và ông Hồ Thao ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, tháng 4-2015, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã hướng dẫn 2 hộ này triển khai trồng 2 ha đót với 5.000.000 khóm. Theo hai hộ dân, chi phí mua tiền giống là 25.000.000 đồng và toàn bộ tiền phân, hàng rào thép gai đều được mô hình hỗ trợ 100%. Được biết, toàn bộ số giống đều được mua tại các địa phương của huyện Minh Hóa.
Hiện tại, sau hơn một năm trồng và chăm sóc, 2ha đót của 2 hộ gia đình đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Tỷ lệ cây chết chỉ chiếm 10% do thân bị mối đục khoét. Đa số cây có chiều cao từ 80 cm-1m. Dự tính, đến tháng 12 cây đót sẽ ra bông và đến tháng 2-2017 sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt 2 ha đót sẽ cho thu hoạch khoảng 6 tấn bông khô. Về đầu ra, hiện nay, cây đót được nhiều thương lái ở Quảng Trạch, Bố Trạch và các tỉnh lân cận đến thu mua. Tuy nhiên, theo ông Đinh Minh Thông, một trong những khó khăn của hai hộ gia đình này là công tác quản lý, bảo vệ cây đót, bởi cây dễ bị trâu, bò phá hoại. Chính vì vậy, ngoài khâu chăm sóc thì khâu bảo vệ luôn được hai hộ gia đình đề cao.
Có thể nói, những năm gần đây, đót là cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân. Dựa vào nhu cầu thị trường, việc biến một loại cây mọc tự nhiên trở thành cây trồng kinh tế giúp người dân chủ động được nguyên liệu là hướng đi mới. Sự hướng dẫn, định hướng kịp thời của những cán bộ chuyên môn là yếu tố quan trọng giúp người dân có được sự lựa chọn đúng đắn để có hướng phát triển kinh tế lâu dài.
Theo Báo Quảng Bình