Đưa mô hình thủy canh công nghệ cao Hàn Quốc về Việt Nam

Đưa mô hình thủy canh công nghệ cao Hàn Quốc về Việt Nam
Hiện nay, xu hướng trồng rau thủy canh đang được triển khai tại Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao trên mô hình này thì lần đầu tiên được triển khai Việt Nam. TS Cao Đình Hùng, người từng du học nhiều nước đã không ngừng nghiên cứu khoa học nông nghiệp công nghệ cao, đã có cuộc trao đổi với PV Tin Tức.
PVLà một Tiến sĩ đã du học ở nước ngoài gần 10 năm để hoàn thành xuất sắc cả 3 bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ và sau Tiến sĩ, đồng thời đã có nhiều công trình quốc tế nghiên cứu về khoa học nông nghiệp, ông đánh giá như thế nào về ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay?

TS. Cao Đình Hùng: Ngành nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC, high-tech agriculture) ở nước ta hiện nay chưa phát triển kịp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và còn lạc hậu so với châu Âu cũng như các nước tiên tiến khác. Chẳng hạn, nước ta đã phải nhập khẩu công nghệ tưới nước nhỏ giọt từ Israel, công nghệ hạt giống nhân tạo từ Úc và công nghệ thủy canh từ Nhật Bản. Do ngành NNCNC của nước ta còn nhiều yếu kém nên công sức lao động phải bỏ ra rất lớn, năng suất nông sản rất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, giá trị và chất lượng nông sản ít có sức cạnh tranh được trên thị trường thế giới. 

 

Suốt gần 7 năm sinh sống và học tập tại nhiều tiểu bang của nước Úc, tôi đã chứng kiến cá basa xuất xứ từ Việt Nam được bán với giá rẻ hơn nhiều so với các loại cá khác, mặc dù đối với nước ta thì cá basa là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị cao; còn gạo Việt Nam thì không được thị trường Úc chấp nhận vì không đảm bảo chất lượng (mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo), nên tôi thường ăn gạo Úc hoặc Thái Lan mà thôi. Tuy nhiên, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nguồn lực lao động dồi dào nên sẽ có nhiều thuận lợi để ứng dụng NNCNC của thế giới nhằm đẩy mạnh phát triển đất nước. 

 

Thực tế, cách đây khoảng 40 năm trước, Hàn Quốc còn nghèo nàn và lạc hậu như nước ta bây giờ, nhưng để phát triển rất nhanh và mạnh như ngày nay là nhờ Chính phủ đã ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào trong đời sống sản xuất, trong đó NNCNC chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực NNCNC đã giàu lên nhanh chóng, từ đó họ sẵn sàng hỗ trợ rất nhiều kinh phí cho các nghiên cứu khoa học.

 

PV: Lý do gì khiến Tiến sĩ đi theo hướng trồng rau thủy canh và xu hướng tương lai sẽ ra sao?

 

TS. Cao Đình Hùng: Lí do khiến tôi đi theo hướng trồng rau thủy canh (hydroponics) là vì tôi muốn góp phần mang lại sức khỏe cho con người. Tôi nhận thấy rằng ở Việt Nam, an toàn thực phẩm đang là một vấn nạn, do nông sản kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào nước ta khá nhiều và khó kiểm soát, đồng thời có rất nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay không có nhãn mác chính xác nhưng vẫn được tiêu thụ hàng ngày. Đặc biệt, nhiều nông sản chứa dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, độc tố hay mầm bệnh gây hại đến sức khỏe nhưng người dân không biết nên vẫn mua về sử dụng. Từ đó, bệnh tật hình thành và những hậu quả tiềm ẩn cho sức khỏe con người là rất lớn. 

 

Tiến sĩ Cao Đình Hùng đang kiểm tra mô hình thủy canh công nghệ cao tại Việt Nam.

 

Ngược lại, ở các nước tiên tiến, sức khỏe của con người được chú trọng hơn nên người ta tập trung phát triển các nông sản sạch như rau xà lách, cải, cà chua, dưa leo, ớt ngọt, dâu tây... mà hầu hết những loại nông sản này đều có thể được sản xuất bằng công nghệ thủy canh. Sở dĩ công nghệ này cho phép tạo ra được các nông sản sạch là do không dùng đất, không sử dụng thuốc trừ sâu và không có bất kỳ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nào cả. Vì vậy, khi nghĩ đến việc làm sao đảm bảo được sức khỏe cho người dân Việt Nam thì tôi liên tưởng ngay đến việc ứng dụng công nghệ thủy canh vào nước ta. Do đó, trong thời gian nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Hàn Quốc tôi đã cố gắng tiếp thu các công nghệ tiên tiến và hiện đại để mang về Việt Nam sử dụng, đặc biệt là mô hình thủy canh ứng dụng các công nghệ cao nhất hiện nay. 

 

Trong tương lai không xa, mô hình này sẽ được áp dụng ngày càng rộng rãi tại Việt Nam, do Chính phủ và các nhà đầu tư sẽ nhanh chóng chớp lấy cơ hội tốt và đầy triển vọng này. Bởi vì có nhiều lí do chính đáng, như cuộc sống của con người ngày càng đi lên thì nhu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng cao; thực phẩm Trung Quốc đang xen trộn vào thị trường Việt Nam khá nhiều nên cần cho ra đời những mô hình sản xuất nông sản sạch không gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng; mô hình thủy canh công nghệ cao mang lại lợi nhuận và hiệu qủa kinh tế cao khiến các doanh nghiệp sẽ săn lùng để bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; mô hình này tại Việt Nam có sự kết hợp với yếu tố nước ngoài và các chuyên gia đầu ngành nên sẽ an toàn và đảm bảo được uy tín, chất lượng;.....

 

 

PV: Công nghệ cao áp dụng tại mô hình này là gì? Có điểm gì khác biệt so với mô hình thủy canh đang thực hiện tại Việt Nam không, thưa Tiến sĩ?

 

TS. Cao Đình Hùng: Công nghệ cao áp dụng tại mô hình này là công nghệ thủy canh hồi lưu dưới ánh sáng đơn sắc (LED) có kết hợp với công nghệ in vitro (in vitro technology) và công nghệ hạt nhân tạo (artificial seed technology). Công nghệ in vitro để sản xuất nhanh cây giống sạch bệnh, công nghệ hạt nhân tạo để sản xuất hạt dòng và gieo trồng dễ dàng, còn công nghệ thủy canh hồi lưu kết hợp ánh sáng đơn sắc để giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và phát triển tốt. Đây là những điểm mới mẻ và khác biệt so với tất cả các công nghệ thủy canh hiện có tại Việt Nam; đồng thời đây cũng là mô hình thủy canh tiến bộ nhất của nước ta hiện nay, nếu không nói là tiến bộ nhất của thế giới. Tất cả các công nghệ này đều được thực hiện trong nhà chứ không phải ở ngoài nhà kính, vườn ươm hay ngoài đồng ruộng như các công nghệ thủy canh truyền thống hiện nay.

 

Mô hình thủy canh được chụp trực tiếp tại hiện trường (trong phòng thí nghiệm tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM)

 

Ở Hàn Quốc, mô hình thủy canh công nghệ cao này có gắn kết với các hệ thống máy đo và điều chỉnh tự động các thông số kỹ thuật (như nhiệt độ, cường độ ánh sáng, bước sóng ánh sáng, thời gian chiếu sáng, pH, EC, thành phần dinh dưỡng cho cây, nồng độ khí CO2...), đồng thời có gắn thêm camera để giám sát và theo dõi từ xa. Vì vậy, khi chuyển mô hình thủy canh công nghệ cao về Việt Nam, tôi đã vận hành và ở nhà mà vẫn có thể theo dõi.

 

PV: Tiến sĩ có thể cho biết lợi ích của mô hình này sẽ như thế nào không?

 

TS.Cao Đình Hùng: Lợi ích của mô hình này là rất lớn. Thứ nhất là lợi ích về môi trường do được sản xuất trong điều kiện sạch và không có bất kỳ dư lượng của thuốc trừ sâu nào cả. Thứ hai là lợi ích về nhân công lao động do mô hình hoạt động theo hướng tự động hóa, sử dụng máy móc là chủ yếu. Thứ ba là lợi ích về nguồn nước vì dung dịch dinh dưỡng được sử dụng tuần hoàn trở lại cho đến cuối chu kỳ thu hoạch sản phẩm. Thứ tư là lợi ích về điện vì sử dụng bóng đèn LED có thể tiết kiệm được khoảng 70% điện năng tiêu thụ so với bóng đèn neon. Thứ năm là lợi ích về không gian vì có thể sản xuất rau sạch ở bên trong nhà và trên nhiều tầng. Thứ sáu là lợi ích về kinh tế vì năng suất rất cao (mặc dù chi phí đầu vào cũng cao) và sản phẩm sạch rất được ưa chuộng. Ngoài ra, còn nhiều lợi ích khác nữa.

 

PV: Khó khăn thực tại khi áp dụng mô hình này tại Việt Nam là gì, thưa Tiến sĩ?

 

TS. Cao Đình Hùng: Có thể nói, năng suất và thu hoạch không phải là vấn đề khó khăn, vì năng suất rất cao, còn thu hoạch rất dễ dàng. Khó khăn lớn nhất có thể kể đến là chi phí đầu tư ban đầu, nên có thể sẽ gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và các hộ nông dân muốn làm kinh doanh bằng công nghệ này. Vì sử dụng công nghệ cao nên chi phí đầu tư cũng cao. Chẳng hạn, để đầu tư sản xuất rau xà lách sạch trên diện tích 100m2 bằng mô hình thủy canh công nghệ cao này thì cần số vốn đầu tư ước tính khoảng 500-600 triệu đồng. Tuy nhiên, do năng suất rất cao nên lãi suất cũng rất cao. 

 

Một khó khăn nữa là do mô hình có nhiều bí quyết công nghệ - kỹ thuật, nên cần phải thuê hoặc hợp tác tốt với chuyên gia thì sẽ thành công lớn. Nếu áp dụng lâu dài và trên diện tích rộng thì lợi ích sẽ tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn, bóng đèn LED có tuổi thọ 100.000 giờ chiếu sáng liên tục so với 15.000 giờ đối với bóng đèn sợi đốt nên khi sử dụng lâu dài, với số lượng lớn, thì chi phí cho bóng đèn LED sẽ giảm xuống rất nhiều. Còn hiện nay, chi phí đầu tư cho bóng đèn LED rất cao.

 

PV: Hiện mô hình mà Tiến sĩ đang sử dụng đã triển khai thực tế chưa và có gì cần kiến nghị với sở ban ngành không?

 

TS. Cao Đình Hùng: Mô hình này chưa triển khai thực tế vì vừa mới được chuyển về Việt Nam và đang chạy thử tại trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Đến nay, mô hình này về cơ bản là ổn nên sẽ kiến nghị với nhà nước để sớm chuyển giao cho các đơn vị (tỉnh, thành phố,...) sử dụng nhằm góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm cho người dân Việt Nam. Vì nếu chậm trễ thì các công ty và nhà đầu tư sẽ tận dụng cơ hội hợp tác để nhanh tay mang lại lợi ích kinh tế cho riêng họ mà thôi.

 

PV: Được biết Tiến sĩ đã góp công sức trong việc mang mô hình này về Việt Nam để thiết lập trung tâm công nghệ cao “Việt-Hàn”, xin Tiến sĩ vui lòng cho biết kế hoạch của bản thân để chuyển giao và phát triển mô hình này ở Việt Nam ra sao?

 

TS. Cao Đình Hùng: Tôi muốn mô hình này được triển khai rộng rãi tại Việt Nam để toàn dân ta được hưởng lợi, mau chóng có nhiều nông sản sạch để cho bà con sử dụng hàng ngày, tăng cường sức khỏe và hạn chế ô nhiễm môi trường. Các sở, ban, ngành, viện, trường, trung tâm có liên quan... là những cơ quan đầu tiên cần tiếp nhận, thí điểm và triển khai mô hình này. Mỗi tỉnh thành nên có một mô hình này để sản xuất nông sản sạch, hoặc cũng có thể thí điểm tại một số tỉnh thành để làm mô hình trình diễn (demonstration model) rồi sau đó nhân rộng ra. Tuy nhiên, trong thời gian các cơ quan nhà nước chưa hội đủ các nguồn lực cần thiết để triển khai, thì đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia ứng dụng mô hình này để làm giàu và đóng góp cho sự phát triển của xã hội cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

 

PV: Vâng, xin cám ơn ông. Chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học.
 

Theo Báo Tin tức