Đưa nông dân giỏi sang Đức học nghề

Đưa nông dân giỏi sang Đức học nghề
Đó là một trong những nội dung của “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Hội Nông dân Đức trong lĩnh vực dạy nghề, giai đoạn 2015-2017” vừa được lãnh đạo 2 bên ký kết trong buổi lễ trang trọng tổ chức tại Trung tâm Triển lãm thủ đô Berlin (Đức) ngày 23.1.2015

Chủ trì và trực tiếp ký văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) và Hội Nông dân Đức (DBV) có Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường và ông Joachim Rukwied - Chủ tịch DBV cùng sự có mặt của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Đức; Bộ Lương thực và Nông nghiệp Đức.

Đào tạo giáo viên, huấn luyện ND trẻ

 

 
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường (trái) ký văn bản thỏa thuận hợp tác giữa VNFU và DBV giai đoạn 2015-2017 tại Berlin.    

Thỏa thuận hợp tác giữa VNFU và DBV trong lĩnh vực dạy nghề giai đoạn 2015-2017 được thực hiện trên cơ sở biên bản ghi nhớ giữa 2 bên ký ngày 4.3.2009 tại Hà Nội, cũng như trên cơ sở kết quả thực hiện dự án hợp tác VNFU và DBV trong giai đoạn 2012-2014. Về cơ bản, thỏa thuận hợp tác giữa VNFU và DBV giai đoạn 2015-2017 phấn đấu đạt được 2 kết quả nâng cao kiến thức chuyên môn và phương pháp của giáo viên dạy nghề của VNFU, những kiến thức giáo viên tiếp thu được sẽ phục vụ vào việc truyền đạt cho học viên học nghề và ND; phối hợp tổ chức một diễn đàn trao đổi về kỹ thuật sản xuất và chính sách nông nghiệp.

 

Về nâng cao kiến thức cho giáo viên dạy nghề, thỏa thuận nêu rõ, trên phạm vi cả nước, VNFU có 52 trung tâm dạy nghề. Kết quả dự kiến của thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 (2015-2017) là có nhiều giáo viên dạy nghề của VNFU được đào tạo nâng cao kiến thức tại Đức. Mục tiêu đặt ra là tại mỗi trung tâm dạy nghề của VNFU có ít nhất 1 giáo viên có cơ hội chuyển tải được kiến thức mà họ đã tiếp thu được trong khóa đào tạo tại Đức.

Với mục tiêu truyền đạt được những kiến thức giúp học viên, ND có thể áp dụng được trực tiếp, ở giai đoạn 2, các khóa huấn luyện tại Đức sẽ đi sâu vào các chủ đề cụ thể mà phía Việt Nam có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất như sản xuất thịt (nhất là thịt lợn, gia cầm…), bảo quản sau thu hoạch, chế biến thành phẩm. Chương trình dạy nghề thực hành cũng đưa những kiến thức cơ bản về quản lý trang trại.

Theo kế hoạch đề cập trong bản thỏa thuận giữa VNFU và FBV giai đoạn 2015-2017, dự kiến mỗi năm sẽ có 3 hoạt động chính được tổ chức gồm: Khóa huấn luyện ngắn hạn (8 ngày) tại Đức cho những giáo viên tại các trung tâm dạy nghề, cho các ND giỏi, ND trẻ - những người sau đó sẽ tham gia dạy thực hành tại các lớp học nghề của VNFU; tổ chức 1 chương trình thông tin chuyên sâu dành cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý của VNFU tại Đức; tổ chức 1 hội thảo tại Việt Nam cho cán bộ, giáo viên và những người tham gia công tác dạy nghề của VNFU trong đó có ND làm nghề nông nghiệp tham gia.

Nâng cao năng lực dạy nghề cho nông dân

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Joachim Rukwied - Chủ tịch DBV cho rằng, thỏa thuận hợp tác giữa VNFU và DBV ở giai đoạn 1 (2012-2014) đạt được nhiều kết quả tích cực và những kinh nghiệm tốt rút ra được đưa vào thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên trong giai đoạn 2 (2015-2017). Cùng với VNFU, DBV sẽ tích cực, chủ động chuẩn bị về mọi mặt chương trình hợp tác giữa 2 bên trong giai đoạn 2 đạt được nhiều kết quả như mong đợi.

Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường đã khẳng định: “Thỏa thuận hợp tác giữa 2 tổ chức trong giai đoạn 1 được thực hiện thành công, góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, giáo viên dạy nghề của Hội NDVN. Trên cơ sở đó, Hội NDVN đã đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam có chính sách phù hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đầu tư cho hệ thống trường trung cấp nghề; các trung tâm dạy nghề…”. Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, từ kinh nghiệm của phương pháp đào tạo nghề song hành ở Đức, trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề của Hội NDVN đã có những đổi mới trong công tác dạy nghề, các khóa học được thiết kế thời gian thực hành nhiều hơn học lý thuyết; sử dụng ND sản xuất kinh doanh giỏi, đủ điều kiện để tham gia làm giáo viên cho các lớp nghề.

Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường bày tỏ tin tưởng, việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 giữa VNFU và DBV sẽ góp phần phát huy kết quả đã đạt được trong giai đoạn 1; nâng cao năng lực quản lý và dạy nghề cho cán bộ, hội viên Hội NDVN; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VNFU và DBV nói riêng, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức nói chung. Trong giai đoạn 1, thực hiện thỏa thuận giữa VNFU và DBV, đã có 31 lãnh đạo, cán bộ quản lý của VNFU và các cơ quan liên quan đi học tập tại Đức; 27 cán bộ và giáo viên dạy nghề của VNFU được học tập, trao đổi kinh nghiệm dạy nghề song hành tại Viện Đào tạo Andreas-Hermes; đưa 7 ND trẻ Việt Nam sang làm thực tập sinh tại các trang trại của Đức; tổ chức 21 hội nghị, hội thảo liên quan.

Ở giai đoạn 2, các khóa huấn luyện ND Việt Nam tại Đức sẽ đi sâu vào các chủ đề cụ thể mà phía Việt Nam  có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất như sản xuất thịt (nhất là thịt lợn, gia cầm…), bảo quản sau thu hoạch, chế biến thành phẩm. 
Theo danviet.vn