Đưa nông sản ra nhiều cửa
- Thứ bảy - 28/06/2014 04:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mặt hàng nông sản đang được xúc tiến để tìm các thị trường mới - Ảnh minh họa |
Trong cuộc họp báo chiều tối ngày 27/6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NNPTNT đã và đang tích cực chỉ đạo rà soát, tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu nông sản để mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là giảm dần sự phụ thuộc nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. “Nếu mất thị trường thì đừng nói gì đến tái cơ cấu”, ông Hà Công Tuấn nói.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của ngành là 3,4%, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6%, thủy sản tăng 6%. Tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013). Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, do có những căng thẳng trên Biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hóa giữa nước ta với Trung Quốc gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng nhấn mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng (chỉ riêng tháng 5 và tháng 6 giảm và có nguy cơ giảm sâu hơn nữa). Hiện nay, đầu ra của một số nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như lúa gạo và cao su (xuất sang Trung Quốc chiếm 40% tổng số lượng xuất khẩu hai mặt hàng này). Đặc biệt, với một số mặt hàng như thanh long, bột sắn, Trung Quốc chiếm tới 80-90% thị phần xuất khẩu.
Theo nhận định, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trước vấn đề này, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các thị trường và phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các nước để mở cửa thị trường. Nhiều thị trường tiềm năng đang được Bộ NNPTNT xúc tiến thương mại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Argentina...
Còn ở trong nước, Bộ NNPTNT đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để làm rõ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng cố gắng cao nhất để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh và đẩy mạnh sản xuất. Đối với sản xuất, rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp quy mô sản xuất…
Đồng thời, để phục hồi tốc độ tăng trưởng, ngành NNPTNT đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành. Đến nay, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản và cụ thể hóa các giải pháp thực hiện. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, Bộ sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80.000-90.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng hằng năm như ngô đậu tương, vừng, lạc và các rau màu khác.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Nghị định về một số chính sách về phát triển thủy sản đã được Bộ NNPTNT xây dựng, hoàn thành trong vòng 40 ngày. Hiện nay Bộ đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến trong cuối tháng, Bộ sẽ trình Chính phủ để ký ban hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân bám biển sản xuất. Song song với đó, Bộ cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn, chờ khi Nghị định ban hành sẽ triển khai áp dụng ngay. Ngoài ra, hiện nay Tổng cục Thủy sản cũng đang họp bàn với các doanh nghiệp đóng tàu và các hiệp hội để bàn thiết kế nhiều mẫu tàu khác nhau để nhân dân lựa chọn, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ NNPTNT cũng đang bàn thảo, xây dựng chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá và bảo hiểm y tế cho thuyền viên.
Đỗ Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vn