Đừng xem nông nghiệp như “mì ăn liền”

Đừng xem nông nghiệp như “mì ăn liền”
Đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng phát triển hợp thời, thế nhưng, có lẽ cơ hội sẽ không dành cho những ai không tự chủ được nguồn lực và sự kiên trì.

Chưa bao giờ xu hướng đầu tư vào nông nghiệp lại trở nên sôi động như năm 2016. Làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng lớn hơn. Trong đó, kể cả doanh nghiệp quy mô lớn và cả các dự án khởi nghiệp trong ngành này.

Đánh giá về vấn đề này, một vị Chuyên gia kinh tế cho biết: “Đây là điều hiển nhiên đi cùng với những chính sách chuyển trục của nền kinh tế tập trung vào sản xuất. Khi những lĩnh vực kinh doanh dễ kiếm ra tiền và ít sáng tạo đã trở nên chật chội. Trong khi đó, nông nghiệp đang là một khu vực đầu tư triển vọng bền vững, hứa hẹn sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn trong thời gian tới.”

Cách đây nhiều năm, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nóng dựa vào tăng trưởng tín dụng và đầu tư công và sự phát triển ào ạt của lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, tổng giá trị đầu tư vào Nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% GDP là quá thấp so với một quốc gia có vị trí địa lý, thời tiết và thổ nhưỡng phù hợp phát triển Nông nghiệp như Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp cũng không hề đơn giản như người ta cứ nghĩ. Theo kết quả khảo sát nhận diện doanh nghiệp nông nghiệp qua điều tra của PCI thì trong 685 doanh nghiệp tham gia điều tra có 52% doanh nghiệp cho rằng đầu tư vào nông nghiệp lãi ít, 13% doanh nghiệp hòa vốn.

Như vậy ước tính, tổng có 65% doanh nghiệp đầu tư lãi ít và hòa vốn, tức khoảng 445 doanh nghiệp. Và chỉ có 9% doanh nghiệp đạt được kỳ vọng trong đầu tư lĩnh vực này, tức khoảng 61 doanh nghiệp trong khi 4% doanh nghiệp thua lỗ.

Điều này cho thấy thực trạng đầu tư vào nông nghiệp mặc dù được xem là tiềm năng nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Không phải một sớm một chiều là có thể đạt được kết quả lợi nhuận mà là cả một quá trình chắc chắn không dành cho những ai có suy nghĩ ngắn hạn.

Phân tích về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư dài hạn trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp đã và đang ôm mộng đầu tư lớn vào nông nghiệp hiện nay đang dùng rất nhiều vốn vay và kinh doanh đa ngành khiến rủi ro mất thanh khoản là rất lớn nếu như kế hoạch bị “trật đường ray”. Ngoài ra, đầu tư vào nông nghiệp hiện tại chỉ dừng ở mức độ tạo ra sản phẩm thô, không thể điều tiết được giá cả thì rủi ro là không nhỏ. Thực tế những năm gần đây cho thấy, đã có rất nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản sau thời gian đầu hoạt động khá tốt, mở rộng quy mô đã dẫn đến tình trạng nợ chồng chất. Lãi vay hàng năm “ăn hết” phần lợi nhuận của doanh nghiệp làm ra.

Vấn đề về chất lượng sản phẩm, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng là một trong những vấn đề trọng yếu dẫn đến sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp trong ngành này. Ông Phan Minh Thông, chủ tịch Công ty CP Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu Việt Nam đánh giá, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa chú trọng đến việc quảng bá thương hiệu, xây dựng uy tín và chất lượng sản phẩm của mình cho các khách hàng quốc tế biết đến. Điều này làm hạn chế tăng trưởng sản lượng xuất khẩu.

Để đạt được kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng, Phúc Sinh trong những năm đầu thành lập đã phải tự tạo thương hiệu cho chính mình bằng sự uy tín và chân thành. Bên cạnh đó, Phúc Sinh thường xuyên tham dự các chương trình hội chợ quốc tế về nông sản, qua đó bạn hàng quốc tề ngày càng tăng. Phúc Sinh giờ đây không chỉ thu mua hạt tiêu tại Việt Nam mà còn sang Indonesia, Ấn độ… mua hàng để bán lại cho các thị trường quốc tế khác.

Ngoài ra, ông Thông cho biết, chiến lược phát triển bền vững của Phúc Sinh là xây dựng hệ thống chuẩn mực để đạt các tiêu chuẩn quốc tế và không ngừng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với việc xuất khẩu thô trước đây.

“Chúng tôi hiện đã đi trước một bước rất xa trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua liên kết với người nông dân. Điều này thực chất chỉ là học hỏi, nước ngoài họ đã làm từ lâu rồi. Thậm chí chúng tôi còn có cả phòng thí nghiệm để nghiên cứu các sản phẩm, đó là điều hầu như chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mới có. Chính vì thế chúng tôi mới bán ra các thị trường Châu Âu và Mỹ nhiều như thế,” ông Thông chia sẻ.

Tập đoàn PAN cũng là một đại diện ưu tú của ngành nông nghiệp nổi lên trong những năm gần đây. Sau 5 năm tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, PAN Group vẫn liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh và nhanh chóng nằm trong Top các công ty nông nghiệp và thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam.

Đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm một cách bài bản, minh bạch, PAN nhanh chóng thu hút được những định chế tài chính, nhà đầu tư nước ngoài lớn và uy tín trên thế giới như IFC, TAEL (của Singapore), PYN, GIC (Phần Lan), ORIX (Nhật Bản),…đầu tư vốn vào Tập đoàn.

PAN là nơi kết nối, mở rộng các cơ hội hợp tác, phát triển các ý tưởng kinh doanh mới thông qua quá trình M&A các doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thế mạnh đặc thù và có thương hiệu uy tín. PAN nhờ vào nguồn lực tài chính có được và hệ thống quản trị chuẩn mực, áp mục tiêu phát triển bền vững làm để định hướng cho các công ty thành viên, PAN đã mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho các thành viên của mình từ Lafooco, Vinaseed, Bibica, Thủy sản Bến Tre…

Từ đó, hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn ngày càng đạt hiệu quả cao khi doanh thu thuần hợp nhất tăng 618 tỷ đồng năm 2013 lên đến 2.650 tỷ đồng năm 2015; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng từ 42 tỷ đồng năm 2013 lên mức 362 tỷ đồng năm 2015. Năm 2016, PAN tự tin đặt ra những mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 3.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 465 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 28% so với năm 2015.

Không phải vô tình mà kết quả kinh doanh của Tập đoàn PAN ngày càng được cải thiện. Đó là một quá trình nghiên cứu, đầu tư đúng mức cho đội ngũ nhân lực trình độ cao, tư duy phát triển nông nghiệp hiện đại và định hướng phát triển bền vững. Và dĩ nhiên, nguồn lực đầu tư của PAN không thể nào là vốn vay mà là vốn cổ phần của những cổ đông tin tưởng đầu tư vào Tập đoàn này.

Theo Huy Nguyên/ndh.vn