Đường lớn đã mở với nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ ba - 28/02/2017 22:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lường trước trở ngại
Cụm từ “độ trễ của chính sách” dường như không còn đúng trong trường hợp thu hút danh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Sau khi nhấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại tỉnh Hà Nam trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, những quyết sách của Thủ tướng đã được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng bằng một loạt dự án NNCNC được mở ra ngay tại miền Bắc, nơi lâu nay vẫn quen với sản xuất mang tính nông hộ.
Lâu nay, NNCNC được biết đến với những mô hình trình diễn nhiều hơn là các trang trại, nhà máy có quy mô sản xuất hàng hóa. Nhiều khó khăn được nêu ra nhưng tựu chung lại nút thắt về đất đai và vốn khiến lĩnh vực này luôn được nhắc đến như chuyện của tương lai.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình từng chia sẻ, Công ty có chủ trương xây dựng một nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn CNC trên diện tích 1,2 ha ngay tại Thái Bình. Tuy nhiên, để có được diện tích đất này thì theo đúng thủ tục pháp luật, Công ty phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được đủ diện tích đất trên. Ông nói: “Có những diện tích nhỏ nhưng chủ sở hữu giờ chuyển vào tận Vũng Tàu nên tôi lại phải bay vào tận nơi để đàm phán”.
Không chỉ Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm về nông nghiệp khác cũng gặp cảnh tương tự. Đất đai là “khúc mắc” lớn nhất nhưng không phải là duy nhất trong đầu tư vào NNCNC. Kéo theo khó khăn với đất đai manh mún, vốn cũng là trở ngại khiến DN chưa thực sự mặn mà đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều rủi ro này.
Hiện nay, Nhà nước có 5 nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gồm: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài chính vi mô, và tín dụng ngân hàng. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Nếu về đất đai có 63% DN kêu khó khăn, thì có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận tín dụng.
Những khó khăn có tính chất “quy mô” muốn giải quyết cần những chính sách đồng bộ và sự hợp tác liên ngành như vậy khiến ngành nông nghiệp loay hoay bao lâu nay trong thu thút đầu tư. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng chia sẻ: “Vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư kinh tế-xã hội; vốn ODA, lũy kế đến nay là 5,5 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng vốn ODA vào Việt Nam. Nguồn vốn tiếp theo là vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, tích lũy hiện nay là 3,72 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam; còn tài chính vi mô bao gồm các quỹ, hiệp hội…, đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 4% GDP. Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn, khả năng thu hồi vốn chậm, còn có không ít vướng mắc từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư bởi chính sách hiện có cũng chỉ tạm dừng lại ở mức độ khuyến khích”.
“Đường lớn đã mở”
Không có được sự trù phú của đất đai như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) lâu nay vẫn quen với lối làm nông tự cung tự cấp, mỗi nhà chia đất theo khẩu để đủ ăn. Chính vì thế, nói đến sự vất vả của doanh nghiệp tích tụ đất đai thì một loạt dẫn chứng đều được đưa ra ở những địa phương miền Bắc.
Tuy nhiên, ngay khi Thủ tướng chính thức ra chỉ đạo về tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (15/2) thì ngay lập tức đã có những dự án về NNCNC được khởi động tại phía Bắc.
Ngày 24/2, Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình đã chính thức được khởi công. Dự án có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, quy mô sản xuất trên 3.000 ha.
Về sản xuất, dự án sẽ tập trung áp dụng công nghệ mới nhất trong chọn tạo giống rau quả, giống lúa, chè và dược liệu chất lượng cao. Trước mắt Tập đoàn TH thực hiện thí điểm trên 30 ha tại huyện Vũ Thư để trồng rau sạch, gạo sạch theo chuẩn Global GAP và tiếp theo là tiêu chuẩn organic (hữu cơ). Với các sản phẩm chủ lực, Tập đoàn TH sẽ xây dựng nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Trong dài hạn, Tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, các cây dược liệu quý hiếm Việt Nam, chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách cung đình Việt Nam và Nhật Bản, các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao, nhãn lồng Hưng Yên…
Cuối tuần này, Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ (do Công ty CP ĐTK làm chủ đầu tư) sẽ chính thức đi vào vận hành từ ngày 4/3 tới. Đây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao hàng đầu thế giới được triển khai tại Việt Nam, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Isarel có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng.
Dây chuyền sản xuất trứng sạch khép kín đầu tiên tại Việt Nam này sẽ cho ra lò những quả trứng sạch, bổ dưỡng, tươi ngon, đạt tiêu chuẩn AA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (tiêu chuẩn cao nhất). Nhà máy được xây dựng trên diện tích 42 ha tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, với tổng số vốn trên 800 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động toàn bộ 2 giai đoạn, Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ có công suất 175 triệu quả trứng/năm.
ĐTK là doanh nghiệp 100% vốn nội, ra đời từ cuối những năm 80 nhưng chủ yếu hoạt động mạnh trong kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản và cung ứng đầu vào cho ngành chăn nuôi. Nói về dự định “ngược dòng” về đầu tư sản xuất lĩnh vực NNCNC trong nước, bà Đào Tú Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay để ra quyết định tiến quân vào sản xuất trứng CNC trong nước, bà đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường và chính sách. Thị trường còn rộng lớn nhưng nếu chính sách chưa thực sự thuận lợi thì DN cũng khó có thể dấn thân vào lĩnh vực còn nhiều khó khăn như nông nghiệp.
Với những quyết sách cụ thể của Thủ tướng, kỳ vọng có những DN đầu tàu (như Tập đoàn TH) bắt đầu mở rộng đầu tư vào NNCNC hay những DN vốn chú trọng xuất khẩu như ĐTK cũng đã tìm được miền đất hứa của chính mình. Quyết sách cụ thể của Thủ tướng về NNCNC không chỉ là lời hiệu triệu mang đến khí thế cho cộng đồng DN, mà đó là cách gieo những hạt mầm mạnh khỏe cho một nền NNCNC thu hút được những DN có tâm và có tầm.