FAO và VIPA mong muốn tăng cường hợp tác

FAO và VIPA mong muốn tăng cường hợp tác
Tiếp nối buổi làm việc ngày 3/3/2017, ngày 25/5/2017 tại Hà Nội, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có buổi làm việc với đại diện của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam với mong muốn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai bên.

Phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam bền vững

Phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam bền vững

Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn cho biết, VIPA đã thành lập được hơn 20 năm, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, các trang trại, nhà quản lý, nhà khoa học và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm (nghiên cứu, chế biến, kinh doanh; thiết kế, chế tạo thiết bị; sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc thú y, dịch vụ… gia cầm) tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện, VIPA có hơn 1.000 hội viên là các doanh nghiệp, chủ trang trại, người chăn nuôi trên toàn quốc, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lớn và uy tín. Hiệp hội hiện là thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên đoàn sản xuất Gia cầm ASEAN và Hiệp hội Gia cầm Thế giới. 

Thời gian tới, VIPA mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa FAO thông qua các hoạt động như: Đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của FAO trên Tạp chí Thế giới Gia cầm; Phối hợp tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến ngành gia cầm nói riêng, chăn nuôi nói chung ở quy mô trong nước lẫn quốc tế; Xây dựng những chương trình dự án về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kháng kháng sinh… để cùng nhau kêu gọi tài trợ. 

Theo ông Pawin Padungtod, đại diện của FAO: “FAO đánh giá cao những hoạt động của VIPA thời gian vừa qua. Thời gian tới, FAO sẽ cố gắng cung cấp những bài viết hữu ích cho người chăn nuôi gia cầm Việt Nam trên Tạp chí Thế giới Gia cầm. Tăng cường hợp tác với VIPA để có cơ hội tiếp cận những dự án mới mà cả hai cùng quan tâm. Quan trọng hơn là có cơ hội được làm việc trực tiếp với những người chăn nuôi Việt Nam, từ đó hướng tới 3 mục tiêu cơ bản mà FAO luôn đề ra là đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sinh kế của người chăn nuôi”. 

Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã đi đến thống nhất về một số nội dung và sẽ tiến hành ký một biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong thời gian gần nhất nhằm hướng đến một mục tiêu chung là phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam bền vững thông qua các chương trình phòng chống dịch bệnh và các vấn đề liên quan khác. 

Nguồn: nguoichannuoi.vn