GDP tăng cao một phần nhờ nông nghiệp, không phụ thuộc vào khai khoáng

GDP tăng cao một phần nhờ nông nghiệp, không phụ thuộc vào khai khoáng
Phát biểu tại Họp báo Chính phủ tháng 9/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng hoàn toàn không phụ thuộc vào khai khoáng. Động lực tăng trưởng kinh tế xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có nông nghiệp.

Tăng trưởng GDP hoàn toàn không phụ thuộc vào khai khoáng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 diễn ra chiều nay (3/10), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 9 tháng, tình hình tăng trường GDP là rất tốt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, năng lực cạnh tranh quốc tế được đánh giá cao. Bộ trưởng đánh giá tín hiệu tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm là điều đáng mừng.

Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Tăng trưởng hoàn toàn không phụ thuộc vào khai khoáng. Sản lượng khai khoáng chỉ đạt khoảng trên 10 triệu tấn, trong khi mục tiêu cả năm là trên 16 triệu tấn. Mức sản lượng khai khoáng như trên so với năm 2015 là giảm".

Theo Bộ trưởng, động lực tăng trưởng kinh tế xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có nông nghiệp. Đầu năm 2017, quý II nông nghiệp đã tăng trưởng 2,08%, 9 tháng là 2,78%. Đây là tín hiệu đáng mừng. Còn về công nghiệp, mức tăng trưởng 9 tháng đạt trên 17%.

“Chúng ta giảm khai khoáng như tăng sản xuất kim loại, tăng sản xuất linh kiện điện tử. Ngay cả Samsung cũng tăng gần 45%. Formosa cũng có thể sản xuất được 1,5 triệu tấn thép. Những dư địa này để bù lại việc giảm khai khoáng”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Ngoài mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh tăng trưởng về dịch vụ và xuất khẩu. Theo đó, mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách sẽ góp phần rất lớn vào tăng trưởng chung. Ngoài ra, thương mại nội địa, sức mua trong nước tăng 10,5%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,4% cùng kỳ 2016.

Bộ trưởng nhắc lại mục tiêu tăng trưởng là cao, nhưng quan điểm của Thủ tướng và Chính phủ không điều chỉnh giảm. Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, kịch bản tăng trưởng từng quý để đạt được mục tiêu.

Khánh Hà

Theo Kinh tế & Tiêu dùng