Gắn màu xanh với hiệu quả kinh tế ở rừng đặc dụng Thuận Châu
- Thứ năm - 14/09/2017 21:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thay áo cho những khu rừng già cằn cỗi
Theo chân cán bộ kiểm lâm Ban quản lý dự án rừng đặc dụng Copia Thuận Châu đi kiểm tra tại một số cánh rừng đặc dụng, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn, xơ xác, với nhiều cây gỗ trơ trụi, héo khô. Ông Hoàng Hặc – Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Copia cho biết: Những khu rừng này trước đây xanh tốt với nhiều loại cây gỗ quý, có cây hàng trăm năm tuổi. Nhưng sau khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai hồi đầu năm 2016, những cánh rừng này hầu như không còn sự sống. Nhằm phục hồi sinh thái ở khu rừng này, ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng Copia tiến hành khảo sát thiết kế, đồng thời ký hợp đồng với Công ty TNHH Mạnh Thắng triển khai trồng rừng.
Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Copia Thuận Châu tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: V.C
Nếu được chăm sóc tốt, một cây sơn tra có thể cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng/ha/năm từ bán quả, mà sức sống để tạo tán, phủ xanh đất rừng rất mãnh liệt”. Ông Lương Ngọc Hoan |
Để đảm bảo chất lượng cây trồng; gắn trồng rừng tạo tán với hiệu quả kinh tế rừng, hoạt động phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, đào hố, lựa chọn cây giống được triển khai tích cực. “Chúng tôi nhận phát dọn thực bì, đào hố trồng cây ở đây và luôn được cán bộ khuyến lâm kiểm tra, nhắc nhở, chỉ đạo rõ việc và sửa sai ngay mỗi khi có gì chưa đạt yêu cầu. Nhiều năm tham gia trồng rừng, chưa bao giờ thấy trồng rừng nghiêm túc thế này” – ông Lò Văn Hảy - nông dân xã Chiềng Bôm trong huyện được thuê phát dọn thực bì khu vực trồng rừng, bảo vậy.
Trồng rừng đa mục tiêu
Khâu lựa chọn đưa cây giống vào trồng cũng được các cán bộ khuyến lâm kiểm tra kỹ từng bầu đất cây giống để đảm bảo cây giống đạt mức sống và sinh trưởng tốt từ 97-99% trở lên. “Tổng diện tích trồng rừng đợt này là 250ha, tập trung ở các tiểu khu 243, 247 thuộc xã Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), với cây trồng chủ yếu là cây sơn tra (táo mèo). Đây là loại cây đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa mang lại thu nhập cho người dân. Bà con rất phấn khởi...” - ông Hặc nhấn mạnh.
Anh Lường Văn Lợi - dân bản Huổi Pu, xã Chiềng Bôm, phấn khởi nói:“Khu rừng này trước đây dân bản tôi nhận khoán chăm sóc, bảo vệ từ Ban Quản lý rừng đặc dụng. Rừng đang xanh tốt lắm nhưng do ông trời làm hại nên mới thảm thương thế này. Nhà nước đầu tư trồng lại rừng, chúng tôi cũng vui vì vừa có việc để làm thêm, vừa sẽ có thêm cánh rừng mới xanh tốt, có thể thu hoạch quả để bù đắp công sức bảo vệ rừng cho người bảo vệ rừng”.
Ông Hặc cho biết thêm: “Đơn vị trồng rừng chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc diện tích cây sơn tra trong thời gian 4 năm (hết thời gian lâm sinh), sau đó chúng tôi mới tiếp nhận và quản lý. Ban sẽ giao khoán cho người dân địa phương chăm sóc, bảo vệ. Ngoài được chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân còn được hưởng lợi một phần từ cây sơn tra khi cây cho quả”.
Theo ông Lương Ngọc Hoan – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, đưa cây sơn tra vào trồng rừng là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Thực tế cho thấy, ở một số xã trong tỉnh như Ngọc Chiến (huyện Mường La), Chiềng Bôm, Co Mạ (huyện Thuận Châu)… nhiều gia đình trồng sơn tra, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được chăm sóc tốt, một cây sơn tra có thể cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/ha/năm từ bán quả, mà sức sống để tạo tán, phủ xanh đất rừng rất mãnh liệt. “Khi được hưởng lợi từ rừng, ý thức giữ rừng của người dân sẽ được nâng lên rất nhiều. Nếu mô hình này thành công, Chi cục sẽ tham mưu với UBND tỉnh nhân rộng ra nhiều địa phương khác..” - ông Hoan cho biết.
Theo Văn Chiến - Thiên Long/ Dân Việt