Giá trị danh dự của người Việt

Giá trị danh dự của người Việt
Thật lạ, cái gì ảnh hưởng đến "Tây", ta bênh vực như lên đồng, còn cái gì đụng chạm vào chính người Việt, ta mặc nhiên coi rằng "đời nó thế". ...
Khoảng hơn chục năm trước, một nhật báo uy tín của Việt Nam có chạy một chuyên đề thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả. Chuyên đề ấy mang tên "Nước Việt Nam lớn hay nhỏ" và nó được xây dựng với mục đích khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự tự tin trong mỗi người Việt. Nhưng cũng như bất kỳ những tranh luận nào, chuyên đề ấy dần trôi vào quên lãng. Người Việt là thế, rất cảm tính, có thể ào ào lên tự tin được chốc lát rồi sau đó lại chìm nghỉm vào sự tự ti, mặc cảm. Mới đây, một nhà báo nổi tiếng có đưa ra quan điểm riêng của mình rằng "ở Ý, người ta đi làm bằng xe cũ rích trong khi ở Việt Nam thì cố mà gồng lên mua xe đẹp để cho oai rồi oằn mình ra trả nợ". Quan điểm ấy không mới, và nó đúng nhưng thực tế nó chỉ ra rất rõ cái tự ti của người Việt. Không cần đến một ví dụ ở nước Ý xa xôi, mà chỉ cần so sánh cách sống của người Việt trong những vùng miền khác nhau cũng đã thấy. Ví như người Sài Gòn cái xe chỉ là phương tiện và người ta không nhìn vào cái xe bạn chạy để đánh giá mức độ tài sản của bạn, còn ở Hà Nội thì ngược lại. Thực tế khác biệt đó đã tồn tại rất lâu rồi nhưng khi phép so sánh được mang ra có yếu tố nước ngoài thì nó có vẻ thuyết phục hơn. Điều đó cũng tương tự như chuyện hai du khách Litva nại cớ mất cắp (có thể có thật, có thể không) để xin tiền ở Quốc Tử Giám và Hồ Gươm, rất nhiều người sẵn sàng buông ngay một câu "Nước mình nó thế. Đọc rồi nghĩ đi nhé" (ý kiến của một cô diva nhạc nhẹ) nhưng lại thờ ơ với thông tin một nữ du khách Việt bị cướp tài sản và bị đâm trọng thương tại Brazil. Thật lạ, cái gì ảnh hưởng đến "Tây", ta bênh vực như lên đồng, còn cái gì đụng chạm vào chính người Việt, ta mặc nhiên coi rằng "đời nó thế". trng-7093328590 Nhiều lập luận gần đây được sử dụng dựa trên sự so sánh "ở nước ngoài, họ làm thế này, còn ở ta, ta lại làm thế kia" và phải thừa nhận rằng, so sánh kiểu đó không sai, thậm chí là rất cần thiết bởi nó chỉ ra một tấm gương từ một xã hội văn minh. Chúng ta đi sau, chúng ta cần học những tấm gương từ những xã hội phát triển hơn mình. Song, việc học khác với việc bài xích một cách tự ti. Và ngay cả việc học cũng rất cần sự linh hoạt chuyển đổi bởi mỗi xã hội có một điều kiện, một hoàn cảnh, một văn hóa riêng. Còn nếu chỉ lôi các hình mẫu tiên tiến ra để ngồi co ro tự tin trong góc than thân trách phận rằng "tại sao tôi lại sinh ra ở xứ này?" thì đó hoàn toàn chỉ là những bài bác bi quan, yếm thế khi chính bản thân mình đang vận động một cách vô cùng manh mún, nhếch nhác. Một ví dụ điển hình ai cũng nhận thấy là nhà ở của người Việt, hay rộng hơn là các công trình của người Việt ở thời hiện đại, luôn nhỏ bé, chật hẹp, bức bối hơn của người nước ngoài, kể cả khi người Việt có quyền sử dụng một mảnh đất khá rộng. Cái tâm lý manh mún nên làm gì cũng manh mún đó thực chất không phải là truyền thống của dân tộc mà nó là ám ảnh chung của tập thể sau khi trải qua một thời cuộc dài nhiều biến cố lớn. Hãy nhìn nhận lại thật kỹ, trước chúng ta nhiều thế hệ, khoảng hơn 100 năm trở về trước, người Việt xây cất nhà rất thoáng đãng và mở rộng không gian chứ không phải manh mún cái gì cũng nho nhỏ, cái gì cũng xíu xíu như hôm nay. Thay đổi đó là hậu quả của cả một quá trình dài và được hình thành bởi nhiều yếu tố. Sự nhỏ ấy cũng thể hiện rõ cái tự ti của người Việt đang lớn dần hơn trong khi cái chúng ta cần là sự khiêm tốn, sự tự nhận thức mình đang kém phát triển hơn nhiều quốc gia khác để từ đó, nuôi dưỡng sự tự tin với một mục đích lớn duy nhất: Thay đổi vì thể diện quốc gia, dân tộc. Trong giai đoạn này, người Việt trẻ dễ dàng được tiếp cận với thế giới bên ngoài hơn nhờ vào các chuyến đi, nhờ vào các kênh thông tin tốc độ và cập nhật. Chính vì thế, họ càng được nhìn thấy những khác biệt một cách cụ thể hơn. Việc nhìn thấy các khác biệt do vậy càng phải được thể hiện bằng sự khiêm tốn, cầu thị, muốn học hỏi để tạo dựng sự tự tin mỗi khi tự giới thiệu rằng "tôi là người Việt, tôi đến từ Việt Nam" chứ không phải để nhìn vào và sợ hãi, và tự ti, và xấu hổ rằng mình đã có một nguồn gốc thấp kém hơn. Nước Việt lớn hay nhỏ? Hãy nói thẳng là nhỏ. Nhưng nhìn vào cái nhỏ đó để cảm thấy tự trọng của người Việt đang bị tổn thương và cần dẹp bỏ tự ti để xây dựng sự tự tin là hành động cần thiết hơn chứ không phải tự chúng ta biến mình thành những cỗ máy dè bỉu tự động buông ra những lời bình luận làm tổn thương hơn giá trị danh dự của người Việt....
Theo NongNghiep.vn