Giấc mộng du lịch canh nông
- Thứ hai - 11/06/2018 06:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực ra, du lịch canh nông ở Lâm Đồng đã xuất hiện tự phát từ lâu. Cũng không ai đặt cho nó cái tên đầy ngành nghề, kinh tế, mỹ miều như thế. Chỉ là du khách đến tham quan những vườn hoa, trang trại rau, củ, quả và muốn mua tại vườn. Để rồi, từ đầu năm 2018 đến nay, ở Lâm Đồng rộn ràng với du lịch canh nông. Với giấc mộng màu hồng đầy hy vọng.
Doanh nghiệp “lấn sân”
1. Thoạt nghe, Công ty cổ phần Chè Cầu Đất (thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt) chẳng liên quan gì đến du lịch, thế nhưng khi Ngô Quang Duy - nhân viên phòng kinh doanh – dẫn chúng tôi ra trang trại thì thấy khác hẳn. Từ tháng 3-2018, công ty chè đã mở thêm hướng kinh doanh mới, du lịch canh nông, với cái tên Cầu Đất Farm. Cái biển ấy được dựng lên to vật, giữa mênh mông đồng đất, những cánh đồng hoa các loại, như cẩm tú cầu, xác pháo nữ hoàng xanh (salvia), mõm sói, mao địa hoàng, oải hương (lavander), hướng dương,… và các khu nhà kính trồng rau, dưa công nghệ cao, chủ yếu là xà lách, bí khổng lồ, cà chua, dưa leo baby. Giữa bạt ngàn các loại hoa, khá nhiều du khách chụp ảnh, cả những cặp đôi cùng đoàn cồng kềnh phụ kiện đến chụp ảnh cưới. Duy cho biết, công ty đã đầu tư bãi đỗ xe rộng rãi từ sát đường nhựa, có xe điện (2 chiếc, mỗi xe chở 10-12 người/chuyến) đưa đón du khách tham quan, mua sắm. Mua vé vào cổng 95.000 đồng, du khách được gửi xe, đi xe điện miễn phí, chụp ảnh thoải mái, tham quan các vườn rau, quả và có thể mua sản phẩm mang về… Du khách sẽ được hướng dẫn đi theo lộ trình cụ thể, để không bị chen lấn, lộn xộn đồng thời được nghe hướng dẫn về quy trình trồng rau thủy canh, nông nghiệp công nghệ cao, mua sắm sản phẩm, ngồi nghỉ uống sinh tố được chế biến từ các loại rau, củ, quả của trang trại. Khi ra về, mỗi du khách đều được nhận một phần quà nhỏ. Ai muốn mua rau, củ, quả gì đều có thể được đáp ứng, giá cả hợp lý. Dũng bảo, đó là động lực để hút du khách.
Để làm du lịch canh nông, những người có chuyên môn được mời về đảm nhận các khâu từ ươm giống, trồng trọt, chăm sóc đến chế biến, bán sản phẩm cho du khách. Lương Thiện Nghĩa là thạc sĩ sinh học, từ đầu năm 2018 đã về “đầu quân” cho công ty, bởi “định hướng của công ty phù hợp với cá nhân”. Nghĩa cho biết, đội của anh có 10 người, cả sản xuất, kỹ thuật lẫn giới thiệu cho du khách muốn tìm hiểu sâu về nông nghiệp công nghệ cao. Nghĩa nhẩm tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 khách muốn tìm hiểu sâu về nông nghiệp, còn đa số là đến chụp ảnh. Tất nhiên, phục vụ nhiều du khách, đặc biệt là những người vào tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, cũng có những thiệt hại đáng kể, ví như có thể đem mầm bệnh từ các vườn hoa vào trong nhà kính trồng rau, củ, quả. Nhưng, đội ngũ kỹ thuật của công ty vẫn có thể tầm soát được, nếu không sẽ kịp thời hủy bỏ loại rau, củ, quả nào đó bị bệnh. Nhưng, điều ấy “tác động đến nhận thức người tiêu dùng, giúp họ có ấn tượng và sẽ sử dụng sản phẩm”, vì vậy “đáng chấp nhận hao hụt ít để đánh đổi”, khi mà các sản phẩm của công ty vẫn chủ yếu được bán tại các siêu thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đường vào huyện Lâm Hà nhiều đoạn xấu, nhỏ hẹp, không ít ổ gà nên xóc nảy. Thế nhưng rẽ vào con đường bê-tông ngoằn ngoèo chạy sát mép hồ, dưới chân những đồi chè ô long mướt xanh ở thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, cảm giác mệt nhọc như tan biến. Từ đầu năm 2018, Công ty cổ phần Long Đỉnh bắt đầu dành hơn 1ha đưa vào khai thác du lịch. Trần Hạo Nhiên - nhân viên kỹ thuật của công ty – vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, vừa giới thiệu về du lịch canh nông. Nhiên cho biết, công ty thu phí tham quan mỗi người 20.000 đồng, “chủ yếu phụ phí để dọn dẹp”, ví như dịp lễ 30-4 rồi, “khách vô, xả rác nhiều quá, nên công ty cũng phải sàng lọc bớt khách. Mục đích là du lịch sinh thái, bảo đảm sản xuất chè ô long bình thường nên phải giữ”. Nhiên thống kê, bình thường mỗi ngày đón khoảng mấy chục khách, dịp lễ đông nhất khoảng 700 người/ngày, chủ yếu là khách địa phương… Xác định du lịch canh nông, ý định khép kín cho du khách từ tham quan vườn chè, chụp ảnh lưu niệm, chơi trò chơi dưới nước (đang tính) đến giới thiệu sản phẩm cho du khách thưởng thức và bán sản phẩm (chè ô long, trà sữa) nên công ty đang có thêm những đầu tư bài bản. Đó là việc hoàn thiện khu homestay dạng nhà sàn với sức chứa khoảng 30 người, mở quán cà phê, chè ô long, trà sữa, ca nhạc, nhà hàng,… để phục vụ du khách. Là 1ha vườn trà để tham quan. Là cổng “Đại bút tiến tài” (ý là du khách sẽ thành công khi đi qua cổng này) bước từ khu homestay xuống con đường nhỏ nhắn, xinh xắn qua đồi chè ra hồ Phúc Thọ xanh trong, tĩnh lặng. Là khu trưng bày sản phẩm, chỗ tập yoga, cối xay gió… Tất cả, không chỉ để phục vụ du khách trong vùng, mà còn chuẩn bị để sẵn sàng đón du khách từ Đắc Lắc đến Lâm Đồng, khi con đường quốc lộ mới được hoàn thiện, dễ đi hơn…
Tư nhân mạnh dạn
1. Trong lúc đợi ông chủ về, chúng tôi dạo một vòng các vườn rau, củ, quả, quán cà phê của Công ty TNHH trang trại Langbiang Farm – cà phê Green Box (42 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 8, thành phố Đà Lạt) – công ty chuyên kinh doanh hoa cắt cành, cây giống, hoa chậu, dâu tây, khoai tây,… kết hợp du lịch. Chị Nguyễn Thị Chung (quê huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã làm việc tại đây được 3 năm, nếu “tháng đi làm đủ 26 công được hơn 4 triệu đồng”. Chị và chồng (làm xây dựng) thuê nhà mất 1 triệu đồng/tháng, tằn tiện cũng có đồng tích lũy. Tại vườn, ở đầu những luống cây đều có biển hiệu ghi rõ, “có camera quan sát, tự ý hái dâu bị phạt 100.000 đồng/trái”, với cà chua là 50.000 đồng/trái. Nhưng nếu mua thì có thể lấy hộp, cân rồi trả tiền, như dâu tây là 300.000 đồng/kg… Chị Chung cho biết, du khách đến tham quan và mua trái cây, rau tại vườn cũng nhiều. Quán cũng nhiều khách, kể cả ngày thường…
Rồi ông Trần Huy Đường về, cho biết, ông làm du lịch canh nông từ tháng 5-2017. Nhưng ông làm khác mọi người, bởi những lợi thế riêng có, như nhà ở phố trung tâm. Ông Đường hiểu rằng, “phi thương bất phú” nên ông bỏ bớt diện tích trồng rau, hoa không hợp lý để mở quán cà phê, sinh tố bán đúng sản phẩm an toàn của nhà trồng. Ông bảo, “không gì lợi bằng bán cho khách du lịch. Thương hiệu mình có, bán sản phẩm của mình, chất lượng bảo đảm và du khách vui lòng”. Ông Đường có nhiều lợi thế, ngoài “địa lợi” thì còn tận dụng được thế mạnh chuyên về nông nghiệp đã được gây dựng, có sản phẩm. Ngay như việc trưng bày hoa, rau ở trên bàn trong quán cũng hơn hẳn các quán khác, bởi “hoa ở vườn bị gãy, mình trưng cả bình to chứ không phải vài bông, một cành, chi phí mình giảm thiểu, du khách lại thích, và họ check-in”. Thêm nữa, ví như ông trồng loại bí khổng lồ cho thu nhập lớn, như “năm ngoái, vào mùa halloween, có quả bí 100kg tôi bán được 3,5 triệu đồng, bằng cả vườn bí của bà con nông dân. Riêng bí khổng lồ tôi thu mấy trăm triệu”. Nhà ông Đường hiện có 27ha trang trại trồng hoa, rau, củ, quả, thuê khoảng 100 người làm việc thường xuyên. Khi làm du lịch canh nông, ông Đường mới đầu tư chừng 3 tỷ đồng, “phần nổi thôi”. Và ông cũng thẳng thắn rằng, việc ông đang làm “mới chỉ là chấm phá thôi. Tôi sẽ mở rộng, hợp tác với bà con, mở thêm ẩm thực rau an toàn... Mình bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, thái độ phục vụ tốt nên sẽ có thị trường. Sau đó, tôi sẽ chuyển giao công nghệ, thương hiệu..., thành lập chuỗi mô hình không chỉ ở trong tỉnh”. Nhưng ông cũng có không ít bức xúc, băn khoăn, đặc biệt là về thủ tục hành chính, vì “rất phức tạp, ví dụ như nhập khẩu giống hết sức khó khăn, trong khi sản phẩm thành phẩm thì cho nhập tràn lan. Đó là sự vô lý, như vậy thì ai bảo vệ được sản xuất trong nước”. Ông Đường lấy ví dụ, “giống dâu tây chỉ cho nhập duy nhất từ Trung Quốc, trong khi sản phẩm thì cho nhập từ đủ các nước, bán tràn lan trên thị trường”.
2. Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 7km, tổ hợp du lịch canh nông DL Nature’s (125 quốc lộ 20, tổ Lâm Văn Thạnh, phường 11, thành phố Đà Lạt) khá sôi động, tấp nập, với ô-tô, xe máy đậu san sát, với cửa hàng bán các đặc sản Đà Lạt, quán cà phê, sinh tố, những vườn rau, củ, quả… Phan Tuấn Linh - ông chủ của mô hình du lịch canh nông này - còn khá trẻ. Linh cho biết, ý tưởng làm du lịch canh nông xuất hiện khi “cách đây 2-3 năm, thấy nhiều người cho du khách vào tham quan vườn hoa, rau, củ, quả và thu phí”. Nhưng Linh quyết định không thu phí, kèm theo đó là “các dịch vụ giá rẻ, uy tín rồi phát triển thêm mô hình cà phê, nước dinh dưỡng do mình làm ra…”. Linh từng làm nông nghiệp công nghệ cao, có trang trại ở nơi khác, có 2 nhà hàng ở Đà Lạt và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nên kết hợp làm du lịch canh nông cũng thuận lợi.
Linh đang làm nhà hàng buffet rau, diện tích khoảng 1.000m2 (trong tổng diện tích 6.000m2 tại trụ sở), cũng sẽ khác biệt, chất lượng, với khoảng 50m2 trồng các loại rau thủy canh ở giữa nhà hàng để khách yên tâm, có thể đến đó, hoặc ra vườn tự tay hái rau vào ăn lẩu. Linh dự kiến bán 50.000 đồng/suất với một nồi nước lẩu, 40-50 loại rau ăn thoải mái. Tất nhiên, du khách không chỉ ăn rau, nên nhà hàng sẽ bán các loại đồ nướng, đồ lẩu, mua thêm gì tính tiền đó, “giá cũng trung bình, vì tôi phục vụ số đông”. Sau gần 3 năm làm du lịch canh nông, “từng bước từng bước một”, Linh sắp khép kín quy trình sản xuất – kinh doanh, tận dụng từ sáng (bán cà phê, sinh tố, nước dinh dưỡng…) đến tối (2 nhà hàng ăn, uống). Tất nhiên, “khó khăn nhiều cái, bước đầu đầu tư lớn lại đang xây dựng thương hiệu” nên miễn phí vé tham quan. Nhưng cũng chính vì miễn phí, không quản lý được nên “sau dịp lễ 30-4 vừa rồi, vườn xơ xác. Ngày hơn 1.500 người thăm, nhiều người thiếu ý thức, họ phá vườn. Có người hái cả túi dâu mang xuống, nhắc thì họ bảo vài trái thôi mà”. Nhưng Linh cũng chỉ nhắc nhở, bởi anh cho rằng, “nói to, căng thẳng thì họ không vui, mình lại thấy có lỗi”. Nhưng Linh tin, chuyện đó sẽ dần được cải thiện. Và quan trọng hơn, về lâu dài, việc miễn phí vé tham quan sẽ tránh được hiện tượng cò mồi dẫn khách…
Linh cho biết, tổng đầu tư từ khi làm du lịch canh nông là “trên 15 tỷ đồng, chưa kể tiền mua đất, vì trước đó là đất đồi, chi phí đầu tư, xây dựng cao”, nhưng Linh yên tâm và tin tưởng bởi “ngày trung bình có 500 người đến thăm vườn, ai cũng sử dụng dịch vụ, doanh thu tương đối tốt”. Chàng thanh niên đang trồng hơn 2.000m2 các loại hoa, rau, củ, quả cạnh đó để phục vụ kinh doanh. Hiện giờ, anh sử dụng 25 người ở riêng khu tổ hợp này, trả lương quản lý 10 triệu đồng/tháng, trưởng nhóm là 7 triệu đồng, nhân viên là 5 triệu đồng, bao ăn một bữa. “Tôi trả mức lương cao hơn để giữ nhân viên, vì vậy dịp lễ 30-4 vừa rồi, mọi người lao đao vì thuê nhân viên thì chúng tôi vẫn ổn định”, Linh nói.
3. Là người tiên phong trồng phúc bồn tử từ năm 2008, chỉ vì từng được làm việc ở công ty nước ngoài chuyên trồng loại cây dại này (cùng họ cây mâm xôi), ban đầu ông Huỳnh Trung Quân (thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) không nghĩ sẽ làm du lịch canh nông. Dù có thời gian làm việc với chuyên gia nước ngoài, nhưng “khí hậu, công nghệ đâu nắm được hết. Thất bại lên xuống nhiều lắm”. Nhưng chỉ sau gần 1 năm mày mò, quyết tâm nhân rộng loại cây này, ông đã thành công và quyết định đăng ký độc quyền thương hiệu “Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân” từ năm 2009. Cũng kể từ đó, nhờ sự động viên, giới thiệu của các chuyên gia nước ngoài, người quen, du khách…, ông bắt đầu đón khách đến tham quan tại vườn, bán sản phẩm rồi từng bước khép kín quy trình từ làm giống đến sản phẩm cuối cùng (nước cốt, mật, sinh tố, rượu vang…). Từ chỗ mượn đất của mẹ đẻ trồng phúc bồn tử, giờ ông Quân đã mua được 2ha đất cho riêng mình. “Cây này làm tốt, lợi nhuận khoảng 1 tỷđồng/ha/năm”, ông Quân cho biết. Gần chục năm nay vẫn đón khách đến tham quan (miễn phí), bán trái tươi và các sản phẩm từ phúc bồn tử, nhưng từ đầu năm 2018, khi được công nhận là địa chỉ du lịch canh nông, rồi thành lập công ty (tháng 5-2018), ông Quân có những tính toán lớn lao, táo bạo hơn. Đầu tiên là phá khoảng 500m2 phúc bồn tử để lấy chỗ cho khách ngồi, cũng như làm vườn lan rừng, trồng các loại cây nông nghiệp khác. Ông Quân cho biết, “vì là cây lạ nên khách đến rất đông, có lúc cả 2 xe ô tô, không có chỗ để ngồi”. Tiếp theo, ông có ý định nhận khoán hơn 20ha đất rừng chương trình 135 gần đó để mở rộng du lịch canh nông, với việc làm thêm những ngôi nhà nho nhỏ dạng homestay cho du khách tham quan lưu trú. Ông còn có ý tưởng mở chuỗi siêu thị nông sản sạch để phục vụ du khách, người dân. Cũng giống như ông Đường, ông Linh, ông Quân không thu phí tham quan, để “hạn chế tình trạng cò du khách, đội giá sản phẩm”. Điều khiến ông Quân trăn trở nhất, đó là việc vay vốn rất khó khăn, và không được vay số tiền lớn, bởi làm nông nghiệp thì được định giá thế chấp rất thấp…
4. Du lịch canh nông phát triển mạnh, thu hút không chỉ người dân Lâm Đồng mà còn kéo cả những nhà đầu tư ở địa phương khác đến. Công ty TNHH nông trại du lịch canh nông Kiến Huy (Kiến Huy tourism farm) ở thôn Đạ Đum II, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương là của một ông chủ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông chủ thuê gần 20 người làm ở trang trại rộng 12ha, trồng các loại rau, củ, quả. Ông Hà Văn Lập ở phường 11, thành phố Lâm Đồng được “kêu lên đây” để quản lý trang trại, với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Dẫn chúng tôi đi lòng vòng các khu vườn, ông Lập cho biết, ông chủ đang làm bãi đỗ xe, quy hoạch lại một số khu vườn, có ý định trồng thêm một số loại hoa để thu hút du khách. “Khách du lịch tham quan đông vắng cũng tùy ngày. Họ thích mua đồ thì mua, không thì thôi”, nhưng hầu như ai, đoàn nào cũng mua cả, vì họ tận thấy sản phẩm an toàn. Tất nhiên, việc bán các lại súp lơ, khoai tây, ớt, bắp cải, cải thảo, cà chua, dưa hấu Nam Mỹ papino,… tại trang trại ở thời điểm này vẫn còn ít, mà sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hồ Ngọc Duyên (quê Trà Vinh) tốt nghiệp Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ đã làm ở Kiến Huy được hơn 1 năm, chuyên việc bán sản phẩm. Duyên cho biết, được bạn bè giới thiệu, lại “thích làm rau, củ, quả thì lên đây làm. Ngày thường khách lai rai thôi, ngày lễ đông nghịt du khách từ các tỉnh, đi ô tô, xe máy đủ cả”…
***
Lâm Đồng với “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt mộng mơ, đắm say, quyến rũ đang rạo rực giấc mộng du lịch canh nông, thúc đẩy nó trở thành sản phẩm du lịch chủ lực trong tương lai gần với quyết tâm mãnh liệt từ cả chính quyền lẫn người dân. Mai này, khi du khách tới Lâm Đồng, sẽ có thêm những điểm đến thú vị, đặc sắc, cuốn hút, giàu trải nghiệm từ công nghệ, quy trình đến thưởng thức sản phẩm. Đó sẽ là những địa chỉ thú vị sau khi lướt êm ru trên những con đường nhựa ngoằn ngoèo, đẹp đẽ uốn lượn bên rừng thông vi vút gió reo. Đẹp như tranh vẽ. Đẹp như giấc mộng du lịch canh nông trở thành sự thực…
Nguyễn Tri Thức/baolamdong.vn