Giải bài toán giảm giá thịt lợn: Vừa nhập khẩu vừa tái đàn
- Thứ năm - 26/03/2020 21:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngoài các nguyên nhân như giá thành sản xuất thịt lợn tăng lên, khâu trung gian ăn chênh lệch quá lớn, thói quen người tiêu dùng thích ăn thịt lợn hơn thịt gia cầm, thủy sản… thì mấu chốt của chuyện giá thịt lợn cao, vẫn là do chưa cân đối được cung-cầu.
Tăng thịt lợn nhập khẩu: Không dễ
Bộ NNPTNT cho biết, năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 280.000 tấn thịt các loại (tăng 17%), trong đó thịt lợn hơn 67.000 tấn (tăng 63% so với năm 2018). Trong 2 tháng đầu năm 2020, các đơn vị của Cục Thú y đã làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa cho khoảng 399 tấn thịt lợn các loại và mới đây nhất, Cục Thú y đã làm xong thủ tục kiểm dịch cho gần 1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Liên bang Nga.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn đặt hàng đặt trước, hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.
Người dân mong muốn tái đàn lợn nhưng đang gặp khó khăn vì giá lợn giống tăng cao. Ảnh: T.L
Ngoài 50.000 tấn thịt lợn dự kiến sẽ nhập khẩu từ Liên bang Nga trong năm nay, thời gian qua các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ. Giá các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu về tới Việt Nam trong năm 2019 dao động từ 28.000 - 36.000 đồng/kg.
Hiện Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu và dự kiến sản lượng thịt lợn nhập khẩu trong năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm 2019, với 150 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).
Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay cũng không phải dễ dàng gì. Theo Bộ NNPTNT, thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn cho thấy, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước, cộng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nguồn cung đang gặp khó khăn; nhiều quốc gia đang tạm thời ngừng giao thương để phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng.
Do đó, dù các doanh nghiệp Việt Nam có muốn tăng nhập khẩu thịt lợn về bán cũng không dễ gì mua được, nhất là Trung Quốc cũng đang có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn 20 - 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng thường mua với số lượng rất lớn.
Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đang thiếu thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ 2018-2019, giá lợn hơi tại nước này đang rất cao, khoảng 130.000 đồng/kg.
Chưa kể, thời gian vận chuyển thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ hay từ Nga về Việt Nam bằng đường biển sẽ mất khoảng 30 - 45 ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đàm phán, giao thương của các doanh nghiệp. Việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp rất nhiều khó khăn vì do lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại khiến các nhà nhập khẩu nước ta hầu như "án binh bất động".
Vừa tái đàn vừa... run
Theo Bộ NNPTNT, để tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P, Dabaco, Jafa, Greenfeed đã tăng số lượng tổng đàn lợn thịt từ 5 - 15%, trong đó có nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...
Tuy nhiên, theo người chăn nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Hà Nam, TP.Hà Nội…, mặc dù giá lợn hơi đang ở mức cao, nông dân có lãi đậm nhưng không phải ai cũng dám tái đàn. Hiện, giá lợn giống đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (từ 2,2-2,5 triệu đồng/con), muốn mua được con giống tốt cũng rất khó do hầu hết các doanh nghiệp, trang trại giữ giống lại để nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi lợn tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có hơn 30 con lợn gần đến tuổi xuất chuồng. Tuần trước, thương lái đã trả giá mua lợn hơi với giá 78.000 đồng/kg, trừ chi phí bà Thảo có thể lãi hơn 2 triệu đồng/con. Tuy nhiên, số lời này theo bà Thảo, vẫn không đủ bù cho khoản tiền gia đình bà thiệt hại vì lứa lợn tái đàn trước đó mất trắng do bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Thảo chia sẻ: “Tôi mới bắt thêm lứa lợn giống mới hơn 50 con, nhưng cũng lo lắm vì giá lợn giống hiện nay đã đội lên khoảng 3 triệu đồng/con, chưa kể tiền cám, tiền thuốc men, hao hụt... Tính ra tổng chi phí nuôi được con lợn nặng 100kg trong 4 tháng sẽ vào khoảng 5,5-6 triệu đồng. Nếu tới lúc lợn đủ trọng lượng xuất bán, giá không còn được như bây giờ thì người chăn nuôi lại chịu thiệt”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mới đây đã liều đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua 250 con lợn nái hậu bị về nuôi. Số lợn hậu bị này, ông Cảnh vừa nhằm thay thế dần đàn nái cũ, vừa nhằm tăng đàn lợn thịt lên gần 3.000 con.
“Muốn tái đàn lợn nái, trang trại phải mua lợn hậu bị với giá hơn 11 triệu đồng/con, nuôi gần 1 năm nữa mới có lứa lợn con mới, trong khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh không ngừng đe doạ, nhất là giá lợn hơi lên xuống thất thường, không ai dám chắc “canh bạc” này của chúng tôi thắng hay thua, cứ liều thôi”- ông Cảnh nói.
Theo Bộ NNPTNT, từ tháng 1/2020 (sau khi dịch qua giai đoạn cao điểm vào tháng 7/2019, các địa phương bắt đầu tổ chức tái đàn) đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn với tổng đàn lợn hiện tại gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Tổng đàn lợn nái sinh sản có 2,62 triệu con (không bao gồm gần 110.000 con lợn ông bà và cụ kỵ), dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm), đến cuối năm 2020 đạt khoảng 2,9 triệu con, trung bình tổng đàn nái cả năm 2020 là 2,76 triệu con. Với khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm, tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018). Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (17 doanh nghiệp) có tổng đàn lợn giống ông bà tăng trung bình 8,24%; tổng đàn lợn thịt, lợn choai của các doanh nghiệp trong quý I/2020 dự kiến là 3,82 triệu con, tăng 17% so với số lượng lợn vào tháng 12/2018 |
Theo Minh Huệ/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/giai-bai-toan-giam-gia-thit-lon-vua-nhap-khau-vua-taidan-1072605.html