Giải pháp giữ môi trường cho chim và cá đồng bằng

Giải pháp giữ môi trường cho chim và cá đồng bằng
Một đàn chim hàng triệu con vừa xuất hiện ở rừng tràm 37ha mới trồng 1 - 4 năm, trong trang trại lúa chất lượng cao và cây ăn trái kết hợp nuôi thủy sản rộng khoảng 800ha của Cty Trung An - Kiên Giang ở xã Bình Giang (Hòn Đất, Kiên Giang).

Kỹ sư Võ Thanh Hùng, nguyên Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Cần Thơ, chủ khu rừng tràm cho biết: "Tôi từng tham gia đoàn nghiên cứu ĐBSCL nhiều năm, nay chứng kiến đàn chim hàng triệu con về đây cùng với tôm cá nhiều trên sông, nhận thấy môi trường sống tự nhiên được phục hồi đáng ngạc nhiên".

08-17-46_1809192
Ông Võ Thanh Hùng (áo trắng) bên khu rừng tràm.

Từ sự phục hồi môi trường khu vực khá rộng lớn này, ông có nghĩ đến điều gì?

Tôi nghĩ đến thực trạng sân chim, chủng loại các loài chim, diện tích rừng tràm trong vùng. Theo số liệu thống kê sơ bộ, ĐBSCL có 31 sân chim. Ngoài những sân chim nổi tiếng như ở tỉnh Bạc Liêu rộng 250ha (19ha rừng nguyên sinh), Vườn quốc gia Tràm Chim 8.000ha và Gáo Giồng 1.700ha (tỉnh Đồng Tháp), Trà Sư 845ha (tỉnh An Giang), Thạnh Hóa và Đức Huệ trên 5.000ha (tỉnh Long An), còn có sân chim ở U Minh Hạ (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang), Bằng Tăng (TP Cần Thơ), Vàm Hồ (Bến Tre), Mùa Xuân và Phương Ninh (Hậu Giang ), Mỹ Phước và Phú Lợi (Sóc Trăng), Tân Phước (Tiền Giang)... Có thể nói, khắp ĐBSCL nơi nào giữ được rừng là có sân chim.

Theo số liệu tham khảo, Việt Nam có trên 848 loài chim (thế giới 10.000 loài) trong đó Vườn quốc gia Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp có trên 147 loài, đặc biệt có sếu đầu đỏ; sân chim Bạc Liêu có 109 loài (có sách viết 46 loài). Loài chim sống ngắn như se sẻ chỉ 3 - 5 năm, sống lâu như hải âu 50 năm, lâu nhất có con vẹt nuôi nhốt đến 102 năm. Nhỏ nhất chim ruồi dài 5cm, lớn nhất là đà điều cao 2,7m. Riêng các loài chim ở ĐBSCL sống bình quân 10 - 20 năm.

Diện tích rừng tràm ở ĐBSCL hiện nay còn bao nhiêu và thực trạng đàn chim cũng như vấn đề đặt ra?

Diện tích rừng tràm ở ĐBSCL hiện nay ước trên 100.000ha. Từ sau giải phóng, diện tích tràm lớn nhất vào năm 2006 có 171.000ha (có sách viết 176.000ha), thấp nhất năm 2015 còn 71.000ha. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 diện tích rừng tràm ĐBSCL khoảng 200.000ha. Một số tài liệu cho biết, ĐBSCL năm 1950 có diện tích rừng đến 400.000ha (gồm rừng tràm, đước, bần ở vùng sâu và sao, dầu ở vùng cao) đến năm 1970 còn 200.000ha.

Khi diện tích rừng giảm, số sân chim giảm và số loài chim cũng giảm theo. Nhiều khu rừng hiện còn rất ít chim. Theo tôi có hai nguyên nhân chính: Chim bị săn bắt liên tục, môi trường sống cho chim không an toàn và luôn bị đe dọa; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ngày càng tăng, thậm chí nhiều nông dân tẩm thuốc diệt chim (thuốc sát trùng tím Puradance) để bán, ăn.

Đi vòng quanh ĐBSCL sẽ thấy nhiều chợ bán chim, rắn, rùa công khai. Chẳng hạn khu vực sát thị trấn Thạnh Hóa (Long An), dọc tuyến đường N2 từ Long An đến Đồng Tháp, kinh Ranh ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), ngã ba Cái Tắc huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), dọc tuyến đường từ TP Cà Mau đến khu công nghiệp Khánh An (Cà Mau), ngã ba An Thái Trung (Tiền Giang )… Vào quán đặc sản ở bất cứ đâu có thể gọi món ăn chim, cò, rắn, rùa, thịt rừng một cách dễ dàng.

Một thực tế cần báo động ở nông thôn, tình trạng săn bắt chim bằng tẩm thuốc rồi đem về ăn hoặc bán tràn lan ngoài chợ với giá rẻ. Cụ thể tại đầu kênh Ranh ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tiếp giáp huyện Tri Tôn (An Giang). Đi theo là tình trạng thanh niên chết trẻ ở nông thôn do bệnh ung thư, đột quỵ (liên quan đến huyết áp, tim mạch), tiểu đường rất nhiều, cần được nghiên cứu và tổng kết một cách nghiêm túc.

Vấn đề cấp bách cần đặt ra là làm thế nào để tạo được sân chim mới cũng như bảo vệ, duy trì, mở rộng sân chim hiện có? Qua khảo sát nhiều sân chim và các khu rừng tràm ở ĐBSCL, tôi thấy nơi nào không săn bắt, giữ được sự yên tĩnh, môi trường sống trong lành, nguồn thức ăn dồi dào, nước uống đảm bảo thì chim về ngày càng nhiều. Ngược lại, thì chim bỏ đi.

08-17-46_1809191
Khu rừng tràm có nhiều chim về.

Trước thực trạng vừa nêu, ông có đề xuất gì cụ thể để giữ môi trường cho chim và cá đồng bằng phát triển?

Nếu ở ĐBSCL, mỗi địa phương qui hoạch 5.000 - 10.000ha tràm nước tập trung kết hợp nuôi cá đồng tự nhiên, nuôi ong lấy mật ở những vùng đất trũng, phèn kết hợp du lịch thì rất tốt.

Những khu rừng tràm này của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và cá thể. Trong đó, đặc biệt cần chú trọng diện tích mặt nước nuôi cá tôm để tạo nguồn thức ăn cho chim. Kinh nghiệm cho thấy, diện tích mặt nước phải chọn nơi trũng nhất và nằm sâu bên trong của khu rừng. Tránh qui hoạch, lập dự án chạy theo lợi ích kinh tế, kỹ thuật thuần túy mà phải đứng trên quan điểm tổng hợp, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học.

Trường hợp không có vùng trũng, lung bàu thì tạo hồ, đầm nhân tạo sâu và rộng làm “cái rốn” cho các loài tôm cá sinh sống, ở đó cũng là nơi chim kiếm ăn, trú ẩn, lánh nạn. Tỉ lệ diện tích mặt nước thấp nhất chiếm 10% diện tích khu rừng quy hoạch, nếu đạt 20% càng tốt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để chim về và ở lại. Chú ý diện tích rừng nuôi chim thì không được khai thác.

Ông vừa đề cập đến vấn đề khá căn bản là thay đổi nhận thức của con người để giữ môi trường đa dạng sinh học, theo ông cần thay đổi điều gì nhất?

Khi còn học phổ thông, tôi có đọc một quyển sách của tác giả Lâm Ngữ Đường (đã dịch sang tiếng Việt, hơn 40 năm nên không nhớ chính xác tên sách, hình như là Ý niệm về cái đẹp). Sách trên dưới trăm trang, có thể tóm tắt như sau: Nếu người nào đó xách con tôm sống đi trước mặt một người châu Á thì lập tức người châu Á sẽ nghĩ con tôm này đem kho Tàu hoặc luộc nước dừa, nướng thì tuyệt; nhưng nếu đi qua một người châu Âu hoặc châu Mỹ thì lập tức người châu Âu hoặc châu Mỹ sẽ nghĩ con tôm sống ở đâu, như thế nào? Kết luận rút ra: Người châu Á nấu ăn giỏi, người châu Âu và châu Mỹ giỏi nghiên cứu sinh học.

Tất nhiên, kết luận này chưa chuẩn 100%, nhưng đáng để suy ngẫm và đưa đến nhận xét chung: Người châu Á thích ăn động vật hoang dã, người châu Âu và châu Mỹ không thích. Láng giềng với nước ta là người Campuchia không bao giờ đánh bắt cá vào mùa cá sinh sản, họ theo đạo Phật; nhiều người dân ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp của nước ta nuôi cá da trơn ven sông tự nhiên và không đánh bắt cá mùa sinh sản. Cần thay đổi nhận thức con người ta là thôi tàn sát tự nhiên vì cái ăn trước mắt mà biết nâng niu, quý trọng, giữ gìn thiên nhiên đa dạng cho con cháu tương lai.

Điều đáng mừng là hiện nay, trên các dòng sông, cánh rừng bắt đầu thấy cá và chim sinh sản nhiều do công tác tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của nhiều người đã được nâng cao.

Về mặt quản lý Nhà nước đề nghị có mức phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm cho các hành vi khai thác cá và chim kiểu tận diệt như xiệc cá bằng điện; bổ sung xử phạt hành chính thật nặng hành vi săn bắt chim bằng thuốc bảo vệ thực vật trong đó có thuốc sát trùng tím. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực trồng rừng kết hợp nuôi chim, cá đồng kể cả khen thưởng những người làm tốt công việc phóng sinh.
SÁU NGHỆ/ Nông nghiệp