Giải pháp gỡ “nút thắt” cho phát triển du lịch nông nghiệp

Giải pháp gỡ “nút thắt” cho phát triển du lịch nông nghiệp
Tại cuộc hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” diễn ra chiều 30.3.2018 tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp tổ chức, ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã "hiến kế" để giải quyết “nút thắt” cho phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ông Cường cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên nền sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa rất lớn, là cái lõi chính để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp bền vững đủ sức cạnh tranh trên thi trường quốc tế.

 giai phap go “nut that” cho phat trien du lich nong nghiep hinh anh 1

Từ trái qua: Ông Lưu Quang Định – TBT Báo NTNN  – đơn vị đồng tổ chức hội thảo cùng với ông Trần Văn Tuấn – Tổng cục trưởng và ông Ngô Hoài Chung – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, điều hành hội thảo chiều 30.3. Ảnh: Lê Hiếu

Xây dựng nông thôn mới (NTM) sau 7 năm đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Ngược lại du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Việc thu hút để dịch chuyển các nguồn vốn từ thành thị về nông thôn là giải pháp phù hợp xu hướng các nước trên thế giới đang làm, giúp xây dựng NTM đạt kết quả, giảm bớt khoảng cách giữa các vùng miền, giúp tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, quảng bá và giữ gìn giá trị văn hóa thiên nhiên, lịch sử và cùng với giá trị của sức lao động của cộng đồng cư dân nông thôn.

Ở các địa phương trên cả nước, chúng ta bước đầu đã khắc phục được những hạn chế, bất cập cơ bản của giai đoạn trước, đảm bảo phù hợp hơn với điều kiện thực tế và được các địa phương triển khai có hiệu quả. Kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng và đi vào chiều sâu khiến cho diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, môi trường, nước sạch...) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện sản xuất của người dân vùng nông thôn.

Nhiều mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng đã được các địa phương quan tâm và chỉ đạo xây dựng thành công, bước đầu đã phát huy được hiệu quả, như: Nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, liên kết theo chuỗi giá trị (Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Vĩnh Long...); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng...); mô hình nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái (Quảng Ninh, Ninh Bình, TP.Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai,...); mô hình liên kết trồng cây dược liệu (Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa,...); mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch Homestay (Hà Giang, Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp...); mô hình cây vụ đông có giá trị cao đạt 300-400 triệu đồng/ha (Hà Nội, Hải Dương).

 giai phap go “nut that” cho phat trien du lich nong nghiep hinh anh 2

Hơn 150 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, UBND và Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.Ư, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp dulịch, lữ hành... đã tham dự hội thảo (Ảnh: Lê Hiếu)

Các giải pháp bảo vệ và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đã được các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý và ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao. Các địa phương đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn tập trung, cải tạo vệ sinh hộ gia đình, tăng cường giám sát các “điểm nóng” về phát thải.

Ngày càng có nhiều các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc BVTV,... do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện; đặc biệt, nhiều địa phương đã vận động được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời chuồng trại chăn nuôi từ dưới nhà sàn ra bên ngoài (Hà Giang, Sơn La). Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như: mô hình trồng hoa, cây xanh “từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông nông thôn (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long); mô hình con đường bích họa (Đan Phượng, Hà Nội); làng bích họa của đồng bào dân tộc Dao (TP.Móng Cái, Quảng Ninh);…đã góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.

Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hoá các khu trung tâm thể thao - giải trí; hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Một số địa phương đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian, từ đó, đã tạo điều kiện thu hút người dân ở thôn, bản, ấp tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về môi trường ở nông thôn cũng được cải thiện, chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự được nâng cao, đây được xem là “phần hồn” của xây dựng nông thôn mới...

Làm thế nào để phát triển du lịch nông nghiệp?

Cũng theo ông Đặng Văn Cường, sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm gốc để phát triển ra các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, thời trang, âm nhạc đồng quê, du lịch trong không gian đồng quê nhằm nâng cao sức khỏe giải tỏa stress không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em như bệnh tăng động hay trầm cảm, du lịch học đường (studing-tour), du lịch chuyên đề, du lịch về cội…

Theo đó, ông đưa ra những hiến kế giải quyết “nút thắt” cho phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới như: công tác quy hoạch nông thôn mới phải gắn việc phát triển các sản phẩm OCOP, trong đó có các làng văn hóa du lịch, là nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, tuân thủ chặt chẽ quy trình OCOP; tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng nông thôn, tập trung không chỉ cho các xã về đích, xã khó khăn mà cả những địa phương có tiềm năng du lịch.

"Cần bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư tư nhân vào khu vực nông nghiệp, nông thôn (tín dụng, đất đai, PPP, du lịch nông nghiệp…), nâng chất các tiêu chí NTM nhằm phát triển và bảo tồn văn hóa (thiết chế văn hóa cơ sở, hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể thao nông thôn…), tiêu chí an ninh trật tự, bảo vệ môi trường nông thôn… và đặc biệt cần xây dựng chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới" - ông Cường phát biểu. 

Chương trình OCOP là một "chương trình" mở, không đóng khuôn và đã được triển khai đạt kết quả rất tích cực tại một số địa phương ở Việt Nam (nhất là Quảng Ninh). OCOP là một phương thức phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển cộng đồng không chỉ ở vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy, phát triển các tổ chức kinh tế, thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ từ nguồn lực địa phương (nguyên liệu, nhân lực, công nghệ truyền thống, văn hóa, cảnh quan..).

 

Theo Danviet.vn