Giải pháp phát triển nghề nuôi yến bền vững

Với các thành phần bổ dưỡng và cho giá trị kinh tế cao, nghề nuôi yến sào đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam.
Giải pháp phát triển nghề nuôi yến bền vững

Tuy nhiên, hiện nghề này vẫn phát triển tự phát theo hình thức hộ kinh doanh, gia đình nhỏ lẻ. Do đó, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu bền vững.  

Phát triển chóng mặt nhưng thiếu quy hoạch

Trong 3 năm trở lại đây, nghề nuôi yến sào ở nước ta phát triển nhanh chóng trên phạm vi nhiều tỉnh, TP. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 36 tỉnh, TP nuôi yến với trên 5.000 nhà yến. So với 30 tỉnh, TP và 2.600 nhà yến vào năm 2014 thì đây thực sự là con số phát triển đầy ấn tượng.

10-44-21_1
Nghề nuôi yến sào đang phát triển mạnh

Từ lợi thế bờ biển dài và có nhiều đảo lớn nhỏ, rất nhiều địa phương có tiềm năng lớn để nuôi chim yến. Tuy nhiên, để nghề nuôi yến thực sự mang lại hiệu quả cao cần quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng thành tựu KH-CN. Điều này mới chỉ có 6 tỉnh, TP làm được. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý nghề nuôi chim yến rất ít, lại được ban hành từ năm 2013 nên nảy sinh nhiều bất cập, cần phải khẩn trương hoàn thiện.

“Cần có các tổ chức, đơn vị có năng lực trách nhiệm, tâm huyết phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của các địa phương khảo sát, quy hoạch làng nghề, các tiểu vùng nuôi chim yến nhằm đồng bộ giữa tốc độ tăng trưởng các nhà yến với sự gia tăng đàn yến. Từ đó có cơ sở xây dựng và phát triển nghề nuôi chim yến bền vững và hiệu quả cao”, ThS Lê Hữu Hoàng nói.

Trước những vấn đề còn tồn tại, ThS Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Cty Yến sào Khánh Hòa kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành thông tư chính thức quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam, kiến nghị UBND các tỉnh, TP định hướng thực hiện quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nuôi yến đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho các địa phương.  

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

So với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thai Lan... thì chất lượng yến sào Việt Nam đứng ở mức cao, tuy nhiên về sản lượng lại thấp hơn nhiều. Hiện nay, sản lượng yến sào Việt Nam chỉ khoảng 10 tấn/năm trong khi ở Malaysia là 60 tấn/năm. PGS.TS Phạm Công Hoạt, Vụ KH-CN các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH-CN) cho rằng chúng ta chưa phát triển đàn yến tương xứng với tiềm năng.

Sản phẩm yến sào không chỉ làm thực phẩm mà còn phục vụ cho các ngành công nghiệp mỹ phẩm và dược phẩm. “Để làm được điều này phải có những phương án thích ứng. Trong đó phải kể đến việc các nhà máy chưa sử dụng triệt để chất thải, không tận dụng được hết các sản phẩm từ yến sào. Ví như sử dụng các chất thải từ nuôi yến vào công nghệ hóa dược. Có như thế tương lai của nghề yến sào mới bền vững, hiệu quả”, ông Hoạt khẳng định.

Một vấn đề nữa là nghề nuôi chim yến thiếu quy hoạch rõ ràng, thiếu định hướng, hỗ trợ kỹ thuật nên phát sinh một số mặt tiêu cực. Dẫn chứng điều này, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, với các vùng nuôi chim yến ở phía Bắc vừa mới phát triển và mở rộng thì gặp trở ngại về mùa đông lạnh.

Cần quy hoạch vùng nuôi, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thành tựu KH-CN vào nghề nuôi yến

Theo ông Hùng, mặc dù nguồn thức ăn côn trùng ngoài tự nhiên phong phú, nhiệt độ trong nhà yến đảm bảo nhưng những đợt rét đậm kéo dài đã giam chân chim yến không ra khỏi nhà yến để kiếm ăn trong nhiều ngày và bị đói chết hàng loạt.

Với những vấn đề trên, hy vọng thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học cùng với cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chung tay giải quyết, từng bước xây dựng nghề nuôi yến ổn định, phát triển.

Theo LÊ KHÁNH/nongnghiep.vn