‘Giải phóng’ đất đai, tích tụ ruộng đất để thúc đẩy nông nghiệp

‘Giải phóng’ đất đai, tích tụ ruộng đất để thúc đẩy nông nghiệp
Có thể nói, cải cách về đất đai luôn gắn liền với các dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Từ một nước nghèo đói, thiếu ăn, nhờ những cuộc “giải phóng” về đất đai, nông dân được làm chủ trên mảnh đất của mình và nông nghiệp đã có những bước phát triển thần kỳ.
Giải phóng sức lao động
 
Từ thân phận là nô lệ, không có ruộng đất, nông dân đã “đứng dậy” đi theo cách mạng, giải phóng dân tộc, cũng chính là “giải phóng” đất đai để có đất, có ruộng, được làm chủ trên mảnh đất của mình. 

Nông dân mong muốn giá đất nông nghiệp được đưa về đúng với giá trị thị trường.
 
Bước qua thời kỳ chiến tranh, nông dân Việt Nam đã có đất cày. Trong giai đoạn 1976 - 1985, khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh lâu dài, xuất phát điểm nền kinh tế quá thấp kém, việc duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã khiến nông nghiệp Việt Nam phát triển không như mong muốn, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân hết sức thiếu thốn.

Giai đoạn này, mặc dù Việt Nam đã ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nhưng sản lượng lương thực chỉ quanh mức 16 - 17 triệu tấn, hàng năm vẫn phải nhập khẩu khối lượng lớn lương thực cho nhu cầu trong nước, đỉnh điểm là năm 1979 đã nhập 1,58 triệu tấn lương thực. Vì vậy, trước năm 1986, việc bảo đảm lương thực cho người dân luôn là nỗi lo thường trực của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội.

Đứng trước những thách thức này, việc “giải phóng” đất đai lại một lần nữa được đặt ra để giúp nông nghiệp phát triển. “Hơn 30 năm trước đây, bắt đầu từ chủ trương khoán 10 do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc khởi xướng, chính sách giao đất ổn định lâu dài đã góp phần giải phóng sức lao động, tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận xét.

Chính điều này đã tạo ra sự phát triển thần kỳ trong nông nghiệp. Nếu sản lượng lương thực có hạt năm 1990 chỉ đạt 19,9 triệu tấn thì đến năm 2015 đã tăng lên 50 triệu tấn. Như vậy, sau 25 năm sản lượng lương thực có hạt đã tăng thêm hơn 30 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng thêm 1,2 triệu tấn/năm. Do sản xuất lương thực tăng nhanh, nước ta không những đã bảo đảm được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dành khối lượng khá lớn cho xuất khẩu. Nếu năm 1989, xuất khẩu được 1,42 triệu tấn gạo thì những năm gần đây luôn đạt 5 - 7 triệu tấn/năm, đưa nước ta vào hàng các nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới. Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ổn định và đạt đỉnh 32,1 tỷ USD vào năm 2016.

“Giải phóng” đất đai lần thứ ba

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, khi ruộng đất đã được chia hết cho nông dân, thì vấn đề mới của nông nghiệp Việt Nam là đất đai trở nên quá manh mún. Mỗi héc ta (ha) đất được giao cho bình quân 15 - 20 hộ canh tác, dẫn tới tình trạng khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Đặc biệt, giá đất chưa được đưa về đúng với giá trị thị trường, khiến nông dân không có vốn để mở rộng sản xuất, hay việc bồi thường đất đai với giá rẻ có thể gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Một lần nữa, vấn đề “giải phóng” đất đai lại được đặt ra để giúp nông nghiệp Việt Nam cất cánh.

“Không thể hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu suất lao động trong nông nghiệp nếu vẫn duy trì nền nông nghiệp manh mún, phân tán, tự phát. Không gắn được với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp với thị trường thì càng khó có điều kiện hội nhập trong thế giới ngày nay”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Để khuyến khích việc tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bỏ hoặc nới lỏng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thay vì tối đa không quá 20 ha hoặc 30 ha như hiện nay.

Theo ông Doanh, Nhà nước cần xem xét cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cần có cơ chế để nông dân có thể cho DN thuê lại ruộng đất, tổ chức lại sản xuất, nông dân làm như công nhân cho DN. Hoặc nông dân góp đất với DN như là một cổ đông, đóng góp cổ phần vào công ty. 

Bên cạnh đó, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng: “Chúng ta quy định đất nông nghiệp thuộc sở hữu toàn dân. Do vậy, các tỉnh không xây dựng các khung giá đất, nên giá chỉ bằng 1/10 thực tế. Ở Nam Bộ, 1 ha đất trồng lúa được định giá 2 tỷ đồng, nhưng khi nông dân đem đất đi thế chấp, ngân hàng chỉ cho vay được trên 200 triệu đồng”.

Do vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, cần đưa giá trị đất nông nghiệp về sát với giá thị trường, đồng thời tạo ra “ngân hàng” đất nông nghiệp để giúp các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, tích tụ lớn phải cân nhắc rất kỹ, bởi năng suất và hiệu quả mới quan trọng. Không để các nơi xin tích tụ ruộng đất làm nông nghiệp nhưng lại chuyển đổi thành khu đô thị.  

Tác giả bài viết: H.V

Nguồn tin: baotintuc.vn