Giải quyết bài toán thừa lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân

Giải quyết bài toán thừa lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân
Ngày 6-5, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto) và công ty Bunge tổ chức Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương và cây trồng khác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu của hội nghị là thống nhất chủ trương chuyển đổi từ sản xuất lúa sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao. Điều này giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập một cách bền vững thay vì chạy theo thành tích sản xuất lúa, đồng thời giảm bớt áp lực tiêu thụ lúa gạo hiện nay.

Ảnh minh họa
 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi thành công trên 87.000ha trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương, vừng, thanh long, dưa hấu... Trong đó nổi bật là mô hình liên kết canh tác và thu mua ngô lai năng suất cao của công ty Dekalb phối hợp cùng các đơn vị thu mua nông sản như: Bunge, Tài Lộc, Adeco, Ecofarm để đảm bảo chuỗi đầu ra bền vững cho các hộ nông dân.
Huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang đã có mô hình chuyển đổi lúa – bắp đầu tiên đạt năng suất cao. Đáng chú ý, các hộ nông dân của huyện ngay khi gieo bắp đã được đơn vị thu mua ngô nông sản Tài Lộc tới ký hợp đồng và chốt giá sàn. Khi ruộng bắp thu hoạch, doanh nghiệp cam kết mua ngô cho bà con nông dân theo giá thị trường. Nếu giá thị trường tụt thấp hơn giá sàn cam kết thì bà con sẽ được hưởng mức giá tối thiểu là 3.250 đồng/kg ngô tươi.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng trồng ngô có lợi thế và năng suất cao nhất trong nước. Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định số 580 hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi ha chuyển đổi trong 3 vụ tới. Vì thế tôi đề nghị các tỉnh chủ động khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho kịp vụ mùa. Các tỉnh cần có kế hoạch chi tiết phù hợp cho từng địa phương, chủ động liên kết doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi”.
Hương Giang
Nguồn qdnd.vn