Giải quyết ô nhiễm trong nông nghiệp để phát triển bền vững

Giải quyết ô nhiễm trong nông nghiệp để phát triển bền vững
Ngày 23/3, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Thách thức của ô nhiễm nông nghiệp: Bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippin”. Theo WB, nông nghiệp đang trở thành "nạn nhân" từ chính những thành công của ngành mình, do ảnh hưởng lên môi trường ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
 
tt
Ô nhiễm trang trại trong chăn nuôi đang ngày càng gia tăng. Ảnh: minh họa

Theo các chuyên gia của WB, tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính nếu không muốn nói là hàng đầu làm ô nhiễm đất, không khí và nước. Đã có nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện quản lý chất thải vật nuôi và cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất, nhựa, thuốc thú y, thức ăn trong nông nghiệp. Nhiều trong số các giải pháp này cũng đem lại cơ hội nâng cao chất lượng và giá trị của nông nghiệp.

Theo bà Laura Tuck - Phó Chủ tịch về phát triển bền vững của WB, đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm là quan trọng, nhằm đảm bảo rằng lợi ích thu được từ phát triển trong nông nghiệp là bền vững. Các chính sách và biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả có thể nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp và khuyến khích sự phát triển của một ngành công nghiệp thực phẩm cạnh tranh, nâng cao được sức khỏe con người và cải thiện môi trường.

Hành động phòng chống ô nhiễm có thể tiếp sức cho các ưu tiên chính sách tầm quốc gia mới, trong đó có tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn hằng ngày, thu hút một thế hệ mới các nông dân và doanh nhân thực phẩm, và giảm phát thải khí nhà kính để chống lại biến đổi khí hậu.

Bà Laura Tuck cho rằng, trong bối cảnh này, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp có thể được coi là cánh cổng dẫn đến thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của các quốc gia.

Còn bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, việc định hướng lại chính sách công và chi tiêu cho kiểm soát ô nhiễm có thể mang lại lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. WB cam kết giúp các nước thực hiện cam kết này.

Tại Việt Nam, nguồn tài chính của WB sẽ giúp nhân rộng các thực hiện tốt và sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm, đồng thời giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha trong vòng 5 năm tới ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của nông dân.

Theo Thời báo Tài chính VN