Giảm nghèo bền vững nhờ kinh tế trang trại

Chúng tôi đến Minh Phú, một trong những xã nghèo của huyện Sóc Sơn có diện tích đất tự nhiên hơn 2.035 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích. Xã hiện có 3.900 hộ dân sinh sống với 12.400 nhân khẩu chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đến tháng 9-2015 của xã đạt 6.096 tấn, bình quân đầu người đạt 500 kg.

 “Ngoài việc triển khai vùng sản xuất lúa tập trung ở hai thôn Phú Ninh và Phú Hạ với tổng diện tích là 148 ha, hiện nay tại xã đã có hơn mười mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi và trồng các loại rau màu cho năng suất cao, như: bí xanh, cà chua, đu đủ và các loại dưa. Những mô hình này giúp người dân có thu nhập cao, đời sống ổn định. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu/người/năm” - Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Văn Hân cho biết.

Để khuyến khích người dân tiếp cận mô hình kinh tế trang trại nhằm giảm nghèo bền vững, UBND xã Minh Phú đã chủ động đề nghị các ngân hàng hỗ trợ cho người dân vay vốn; tạo điều kiện cấp phép nhanh để người dân xây dựng chuồng, trại trên những khu đất quy hoạch. Những chính sách ưu đãi đã thu hút một số cá nhân đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Điển hình là trang trại Bảo Châu, ở thôn Phú Thịnh. Đây là trang trại thực hiện mô hình liên hộ nuôi lợn sạch xuất khẩu do một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh đầu tư từ năm 2011. Hiện nay trang trại Bảo Châu có đàn lợn sạch hơn 500 con, hằng năm cho thu nhập khoảng hơn ba tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong xã.

Tuy có quy mô nhỏ hơn trang trại Bảo Châu, nhưng trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Bằng, ở thôn Thanh Trí cũng là điển hình mô hình nông dân vươn lên thoát nghèo. Từ kinh nghiệm của một công nhân làm thuê cho các trang trại ở tỉnh khác, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, từ lúc chỉ nuôi hai con lợn đến nay trang trại của anh Bằng gây dựng được đã có đàn lợn hơn 200 con. Mỗi năm trang trại của anh xuất được khoảng 18 tấn thịt, cho thu nhập hơn một tỷ đồng. “Từ thành công này, tôi thường xuyên cùng cán bộ xã đến các hộ gia đình khác ở trong thôn, xã khác để tư vấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, giúp bà con, làng xóm ngày có cuộc sống khấm khá hơn” - anh Bằng chia sẻ.

Cũng ở thôn Thanh Trí, sau khi được vay vốn và tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh Dương Văn Tuấn xây dựng trang trại trồng đu đủ và nuôi gà đồi tại đội 1. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm trang trại của gia đình anh xuất đều đặn ba lứa gà, mỗi lứa 500 con và khoảng ba tấn đu đủ. “Từ một người bị thương tật do tai nạn giao thông, gia đình túng quẫn về kinh tế, đến nay mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 900 triệu đồng, con cái được học hành đầy đủ” - anh Tuấn nói.

Thời gian qua, mô hình kinh tế trang trại được những người dân tại xã nghèo của huyện Sóc Sơn, như: Minh Trí, Minh Phú, Bắc Sơn, Nam Sơn tập trung phát triển khá phổ biến và đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Sóc Sơn Đặng Đình Trung cho biết: “Ở những xã nghèo của huyện, công nghiệp và dịch vụ gần như không thể phát triển do điều kiện địa hình khó khăn, chủ yếu người dân làm nông nghiệp. Để người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung phát triển mô hình kinh tế trang trại. Người dân tham gia mô hình kinh tế này được hỗ trợ chính sách vay vốn, hỗ trợ tiền điện và bảo hiểm”.

Theo đồng chí Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, để đạt được kết quả này, cùng với việc đổi mới tư duy sản xuất, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện lên 1,5 đến hai lần so với trước đây, đạt 132 triệu đồng/ha, có vùng sản xuất đạt 350 triệu đến một tỷ đồng/héc-ta. Nhờ đó, thu nhập bình quân người dân trong huyện hiện đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chiếm 15,4%, đến năm 2015 con số này chỉ còn 2,1%, là kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo của huyện Sóc Sơn.

Theo Nhân dân