Gian nan "thay áo" cho hợp tác xã

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) chuyển đổi từ kiểu cũ sang mới được coi là "của hiếm".  Ảnh: Thanh Xuân

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) chuyển đổi từ kiểu cũ sang mới được coi là "của hiếm". Ảnh: Thanh Xuân

Những tồn tại, yếu kém của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã được chỉ rõ nhưng để chuyển đổi, biến những HTX này hoạt động có hiệu quả, thành các mô hình kiểu mới là điều không dễ dàng nếu những bất cập của bản thân nó không được giải quyết sớm.
Không thể là “bình mới, rượu cũ”

Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT), vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 (thế kỷ XX), do chưa thích ứng với cơ chế thị trường, phong trào HTX của cả nước lâm vào tình trạng suy thoái. Phần lớn các HTX làm ăn thua lỗ kéo dài, buộc phải giải thể hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, số còn lại tồn tại chỉ mang tính hình thức.

 

Gian nan 'thay ao' cho hop tac xa
Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) chuyển đổi từ kiểu cũ sang mới được coi là "của hiếm".  Ảnh: Thanh Xuân
 
TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết: “Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi 10.336 HTX nông nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo Luật HTX 2012. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX chuyên sâu về dịch vụ nông nghiệp và mạnh dạn giải thể 2.500 HTX hoạt động không hiệu quả”. Theo ông Thịnh, tại nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn các hộ xã viên và hộ nông dân ở nhiều địa phương cho thấy, có trên 80% số người được hỏi trả lời cần thiết phải có HTX, song chưa thể khẳng định điều đó phản ánh đúng nhận thức về HTX kiểu mới, mà chỉ vì từ lâu họ đã quen có HTX để được bao cấp, giúp đỡ và được hưởng các quyền lợi khác... “Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng về HTX, phải đặt mục tiêu làm mới chứ không chỉ là “bình mới, rượu cũ”, mà phải xác định đúng vai trò, vị trí, điều kiện cụ thể cần HTX theo hình thức nào để phù hợp với yêu cầu của người dân”- TS Thịnh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chi cục trưởng Chi Cục PTNT Bắc Giang, theo thống kê, chỉ có 5 – 7% cán bộ HTX trên địa bàn Bắc Giang có trình độ cao đẳng, đại học; 37 – 38% trình độ trung cấp; còn lại là làm theo kinh nghiệm. “Hầu hết các HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, phải sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn; hiện cũng chưa có chính sách dành riêng cho các HTX nông nghiệp. Cái khó khăn nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác từ kiểu cũ sang các quy định mới, nên muốn HTX nông nghiệp phát triển, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho loại hình này”- ông Minh đề xuất.

Nên hình thành các công ty cổ phần nông nghiệp

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, hiện có tới 70% các HTX nông nghiệp chỉ thực hiện dịch vụ bơm tưới, không đủ sức hút để mọi người cùng tham gia, trong khi HTX hoàn toàn có thể cung ứng được các dịch vụ tối đa nhất cho xã viên và nông dân, trong đó quan trọng nhất là giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

 

Quan điểm
 
TS Lê Đức Thịnh
  Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng về HTX, phải đặt mục tiêu làm mới chứ không chỉ là “bình mới, rượu cũ”, mà phải xác định đúng vai trò, vị trí, điều kiện cụ thể cần HTX theo hình thức nào để phù hợp với yêu cầu của người dân.  
Ông Nguyễn Thế Hà- chuyên gia thuộc Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ nông gia cho rằng, trong Luật HTX hiện nay của chúng ta tuy thay đổi, nhưng vẫn có nhiều hạn chế, chẳng hạn như chúng ta quy định sự “bình đẳng” của các xã viên, có nghĩa là người đóng 100 tỷ đồng hay 1 triệu đồng cũng chỉ có 1 “phiếu” và quyền lợi ngang nhau. Điều đó sẽ làm hạn chế sự phát triển của HTX do nhà đầu tư không thể tham gia vào HTX được.

 

Do vậy, theo ông Hà, chúng ta cần có cơ chế để khuyến khích và thành lập các công ty cổ phần (CTCP) nông nghiệp với 3 loại hình là CTCP dịch vụ đầu vào, CTCP đầu ra và CTCP thương mại- có trách nhiệm hình thành chợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Nếu cứ áp dụng theo Luật HTX như hiện nay, thì HTX chỉ biết sản xuất, không tham gia được chuỗi giá trị sản xuất- kinh doanh- tiêu thụ nông sản. Chúng ta cần khuyến khích thành lập các CTCP nông nghiệp, trong đó cần xác định giá trị của người nông dân bằng các cổ tức cộng đồng (đất đai, hệ thống thủy lợi, điện…) và coi đó là tài sản lớn nhất của HTX và phải lớn hơn của nhà đầu tư”- ông Hà nói.

TS Đào Thế Anh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học PTNT Việt Nam cho rằng: “Theo Luật HTX, thì HTX kiểu mới cũng được giao đất làm trụ sở nhưng tồn tại thực trạng HTX kiểu cũ thì chưa thanh lý được đất trụ sở nên đến HTX kiểu mới thì hết đất rồi. Mặt khác, chính quyền cũng có tâm lý không muốn giao đất cho HTX, vì đất công khi đem đầu thầu thì chính quyền được hưởng lợi nhiều hơn”.

TS Hoàng Vũ Quang- Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp thì thẳng thắn nói: “Ở nhiều nơi, HTX vẫn được coi như công cụ của chính quyền, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã, hơn là một tổ chức kinh tế. Vì vậy, nhiều HTX nông nghiệp chưa thực sự được nhà nước đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác”.

Bà Đỗ Thị Liên - Giám đốc HTX nông nghiệp Hoa Đào Sapa (Lào Cai): HTX không có tài sản thế chấp để vay vốn

Từ năm 2008, khi HTX đi vào hoạt động với 30 xã viên và 30ha su su, đến nay, số xã viên trong HTX đã tăng lên 130 với 100ha su su và 50ha hoa hồng. Tuy thị trường trong nước cho mặt hàng su su và hoa hồng là rất tốt, nên chúng tôi vẫn mong muốn được tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn để phát triển. Song cái khó lớn nhất hiện nay của HTX là thiếu vốn, không thể sử dụng tài sản đất đai của HTX để thế chấp nên không thể mở rộng sản xuất, tạo ra đột phá được.

Ông Võ Trường Sơn- Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai:Muốn hợp tác với các HTX

Hiện chúng tôi đang triển khai hỗ trợ dự án chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Hà Nam và tới đây là chăn nuôi bò thịt ở Thanh Hóa. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp không thể một mình làm được tất cả, mà chúng tôi chỉ có thể đảm bảo hỗ trợ hướng dẫn các khâu như cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và đặc biệt là cam kết thu mua sản phẩm đầu ra. Do đó, chúng tôi cũng rất mong muốn được hợp tác, làm ăn với các HTX, tổ hợp tác chẳng hạn như HTX chuyên về thủy lợi, cỏ… Bởi đặc điểm sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay là manh mún, nhỏ lẻ nên để làm ăn lớn, chúng tôi không thể đi làm phán, ký kết hợp đồng với 50-70 hộ, thậm chí hàng trăm hộ được, mà cần phải có một đầu mối là HTX.
 
Ông Nguyễn Khắc Chức - HTX chăn nuôi Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương): Có tài sản cũng không được...thế chấp

Hiện Chính phủ có rất nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các HTX, trong đó có HTX nông nghiệp nhưng thực tế, đề tiếp cận được các chính sách này các ngân hàng thương mại còn đòi hỏi rất nhiều thủ tục “ngặt nghèo”, nên gần như không thể vay được. Dù chúng tôi có trụ sở của HTX, có đất đai nhưng lại không thể sử dụng các tài sản này làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng vì theo giải thích của ngân hàng, đó là tài sản chung, thuộc sở hữu của Nhà nước nên sẽ không thể phát mại được khi có rủi ro xảy ra.
Nguồn: danviet.vn