Gìn giữ nét làng trong xây dựng Nông thôn mới
- Thứ hai - 15/05/2017 20:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Làm thế nào vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp ở làng quê, đang được nhiều địa phương quan tâm.
Bảo tồn và phát huy phong trào văn nghệ ở xã Bồng Khê - Cong Cuông. Ảnh P.V |
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, nhiều địa phương đã coi trọng tiêu chí xây dựng văn hoá, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp đã và đang tồn tại ở các làng quê.
Xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) đang phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2017. Nói về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống làng quê gắn với xây dựng NTM, ông Võ Văn Quyết - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Địa phương xác định trước hết là xây dựng thiết chế văn hóa để bà con có chỗ hội họp, vui chơi, tổ chức các môn thể thao truyền thống. Do vậy, đến nay 17/17 xóm có thiết chế văn hóa phù hợp đạt chuẩn, các trang thiết bị và dụng cụ hoạt động văn hóa cơ bản được đầu tư; các xóm đều có sân đổ bê tông phục vụ hoạt động thể thao, có sân khấu ngoài trời phục vụ hội diễn văn nghệ quần chúng. Từ đó, các xóm đều thành lập CLB văn nghệ, đội bóng chuyền nam, nữ thường xuyên luyện tập, ngoài phục vụ cho những ngày lễ hội, còn rèn luyện sức khỏe, bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương. Xã cũng có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi.
Xã Nam Thành (Yên Thành) là địa phương về đích NTM sớm của tỉnh (cuối năm 2014), bộ mặt nông thôn ở đây đã đổi thay rõ rệt, gắn với đó là đời sống tinh thần của người dân được quan tâm nâng cao. Ông Nguyễn Sỹ Tuấn – Trưởng ban Văn hóa xã Nam Thành cho biết: Sau khi về đích NTM, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển văn hóa, thể thao quần chúng nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Xóm nào cũng có 1 - 2 sân bóng chuyền. Vào những dịp lễ, Tết, các CLB văn nghệ luyện tập với những làn điệu dân ca xứ Nghệ, nhiều trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, cờ người... cũng được tổ chức thường xuyên. Xã cũng đã xây dựng được khu thể thao đa năng, thu hút con em có năng khiếu các môn thể theo truyền thống: cầu lông, bóng bàn tham gia tập luyện. Đặc biệt, hội người cao tuổi xã thành lập các CLB: Bóng chuyền hơi, Thức vũ kinh, Nhất nam... thu hút được các cụ cao tuổi tham gia hoạt động.
CLB Cồng chiêng ở bản Yên, xã Môn Sơn (Con Cuông) thường xuyên biểu diễn tại các ngày lễ hội của địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng. |
Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng đã tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh, gắn chặt tình đoàn kết xóm làng. Làng quê của xã Nam Thành còn được trùng tu, lưu giữ một số giếng làng làm nổi bật vẻ đẹp truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Y – Hội viên Hội Người cao tuổi ở xóm Lộc Thành, là thành viên của CLB bóng chuyền hơi của xã Nam Thành, chia sẻ: Nam Thành là vùng đất có truyền thống văn hóa làng quê. Sau khi xây dựng NTM, các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương có điều kiện phát triển hơn, nhiều môn thể thao mới như: Bóng chuyền hơi, cầu lông... tạo môi trường cho người cao tuổi tham gia luyện tập. Xây dựng NTM ở đây không chỉ quan tâm đến vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tôi mong rằng, trên các trục đường NTM, địa phương cần bố trí trồng nhiều cây xanh hai bên đường hơn nữa.
Xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) ra sức làm giao thông nông thôn, phấn đấu về đích NTM vào cuối năm 2017. Ảnh: Xuân Hoàng. |
Tại nhiều làng quê hiện nay, bên cạnh làm đường, đầu tư hạ tầng, xã cũng duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp có giá trị văn hoá như coi trọng quan hệ họ tộc, xóm giềng, tôn ti trật tự trong làng, bản, coi trọng người cao tuổi, sống quần tụ trong các thôn xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc sống...
Đây chính là những yếu tố văn hoá quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM. Có những địa phương còn xây dựng các làng văn hóa, các khu dân cư kiểu mới.
Nhìn vào thực tế cho thấy, cảnh quan, kiến trúc đậm nét làng quê ở nhiều nơi đang có chiều hướng mai một khi các địa phương ra sức xây dựng NTM. Không gian xanh của những lũy tre làng, gốc cây, đang dần nhường chỗ cho những khối bê tông, gạch đá trong làng. Rồi cả tuyến đường trục chính dài ra đồng nhưng không có một bóng mát...
Thiết nghĩ, xây dựng NTM được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng, do vậy ngoài quan tâm đến nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phải giữ được cốt cách làng quê. Vấn đề này phải có trong tư duy buổi đầu khi chúng ta bắt tay xây dựng NTM. Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại “linh hồn” cho làng quê Việt.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho rằng, mục tiêu đầu tiên và cũng là đích đến cuối cùng của xây dựng NTM, đó là người dân có ý thức cao và chủ động xây dựng cuộc sống của chính mình, về sâu xa đó chính là xây dựng con người văn hóa. Xây dựng NTM qua hành trình nhiều năm bền bỉ, từ yêu cầu đã trở thành nhu cầu, từ hy vọng đã trở thành khát vọng của người dân, các địa phương, cấp, ngành...