Giữ gìn nước sạch, bảo vệ sự sống

Giữ gìn nước sạch, bảo vệ sự sống
Đảm bảo chất lượng nước sạch là rất quan trọng vì nước ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người.

Nước chiếm hơn 70% bề mặt trái đất. Đảm bảo chất lượng nước sạch là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, từ hệ thống nông nghiệp, công nghiệp, nhà máy… đến các sinh hoạt hàng ngày. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người.

Nguồn nước bị ô nhiễm

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, ở các quốc gia khác, nhiều cư dân vẫn duy trì việc vệ sinh tại chỗ, xả thẳng vào hệ thống sông suối, ao hồ. Năm 2015, Chương trình nước và vệ sinh của Ngân hàng thế giới đã tiến hành khảo sát các dự án thoát nước tại 12 thành phố của Indonesia, Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy hầu hết các dự án thoát nước tập trung vào vấn đề lớn mà ít chú ý, đầu tư vào hệ thống cống rãnh hoặc kết nối các hộ gia đình để thu gom nước thải tại nguồn. Điều đáng buồn là luồng nước bị nhiễm phân thải khiến các nhà máy xử lý nước thải phải tiếp nhận thành phần có hại cho sức khoẻ cộng đồng và môi trường.

TP.HCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường. Đây cũng là điều kiện đặc biệt hỗ trợ việc thoát nước, cung cấp nước ngọt, phát triển giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản… Song thực tế hiện nay vẫn còn bộ phận người dân chưa ý thức đầy đủ về việc bảo vệ môi trường. Tình trạng ném rác bừa bãi, đổ nước thải thẳng xuống dòng kênh, hệ thống thoát nước xảy ra phổ biến.

Thay đổi để tồn tại

Ông Q.V (Gò Vấp) chia sẻ: “Chỉ năm trước thôi, mỗi khi mưa, con hẻm trước nhà tôi vẫn còn rất thông thoáng, dù có ngập một chút nhưng nước thoát kịp thời, ít bị ứ đọng. Còn năm nay thì nặng hơn, mưa trút xuống là đường biến thành sông, xe cộ chết máy la liệt. Mấy đứa nhỏ đi học về bì bõm trong nước. Tôi rất lo, sợ chúng không nhìn thấy, vô tình đi vào chỗ nước trũng hay giẫm trúng cái gì đó là rất nguy hiểm”. Khi bị ô nhiễm, các thành phần của nước thay đổi khác biệt so với trạng thái ban đầu. Đó là sự biến đổi các chất lý, hóa, sinh vật. Sự có mặt của chúng làm nước trở nên độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan, bại liệt, giun sán; bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, bệnh về mắt…

Bà P.K (Gò Vấp) cho biết “Một số hộ dân có thói quen dẫn súc vật phóng uế ra đường; sử dụng thùng xốp để đựng rác, khi nhân viên vệ sinh lấy rác đi rồi cũng không cất thùng vô nhà. Khi mưa xuống, cả thùng xốp, bao nylon nổi trên mặt nước, cuối cùng đọng ngay cửa ống cống, chặn đường thoát nước. Còn phân thải thì hòa vào dòng nước rất ô nhiễm. Tôi nghĩ bà con mình cần ý thức hơn, hàng quán bán buôn nên lọc rác lại trước khi đổ nước thải xuống cống, bán xong nên quét tước sạch sẽ, vừa sạch đường, vừa sạch chỗ mình bán”.    

Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu thiết thực trong chiến lược phát triển chung của TP. Bảo vệ hệ thống thoát nước có ý nghĩa quyết định, đầy thách thức và đòi hỏi phải đổi mới tư duy. Đồng thời đổi mới cả cách quản lý và cần nhiều giải pháp chiến lược, bền vững. Cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được đặt hàng đầu với nội dung đa dạng và cần đổi mới thường xuyên.

Ngày nay tinh thần sống vì cộng đồng luôn được nêu cao. Điều này sẽ lan tỏa mạnh mẽ nếu chúng ta biết suy nghĩ, hành động cho nhau. Có được môi trường sống trong lành chẳng đòi hỏi ta phải làm điều gì quá lớn lao. Hãy điều chỉnh lại cử chỉ, hành động của mình trong từng việc nhỏ. Đó cũng là nền tảng để nung nấu tâm hồn đẹp, biết trân trọng và cảm thông.     

M.TÚ Tổng hợp/ PLO