Giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập

Giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập
Nhiều năm qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng "nông nghiệp đô thị", trong đó giảm diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa... Ðến nay, trồng trọt chiếm tỷ lệ 23,5%, chăn nuôi 40,3%, dịch vụ nông nghiệp 8,1%, thủy sản 27,6% trong ngành nông nghiệp của thành phố. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất canh tác tính đến cuối năm 2016 đạt 410 triệu đồng. 11 tháng năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 11.609 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Bằng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, thành phố đã thiết thực giúp bà con khu vực nông thôn cải thiện đáng kể thu nhập. Từ đầu năm 2017 đến nay, gần 3.700 hộ dân được hỗ trợ vay với tổng số vốn hơn 2.600 tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn 2011-2017, đã có hơn 22 nghìn hộ được hỗ trợ vay vốn sản xuất với số vốn hơn 10.756 tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất gần 6.564 tỷ đồng.

Từ các chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề, đã hình thành những vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, vùng chuyên chăn nuôi, trồng cây cảnh, bon sai ở huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, quận 12, quận Thủ Ðức; huyện Bình Chánh thì tập trung phát triển mô hình rau an toàn; các huyện Nhà Bè, Cần Giờ tập trung phát triển nuôi chim yến, nuôi trồng thủy sản...

Cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thành phố đã tập trung phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phù hợp tình hình sản xuất ở từng địa phương gắn với liên kết cung ứng, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ðến nay, tại 56 xã nông thôn ở thành phố đã có 38 HTX đang hoạt động, trong đó có 36 HTX nông nghiệp, hai HTX phi nông nghiệp và 127 tổ hợp tác nông nghiệp. Một số HTX hoạt động rất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển như HTX bò sữa Tân Thông Hội, HTX rau Phú Lộc ( huyện Củ Chi); HTX rau Mai Hoa (huyện Hóc Môn); HTX rau Phước An (huyện Bình Chánh); HTX Nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành (huyện Nhà Bè); HTX Nuôi trồng thủy sản Cần Giờ (huyện Cần Giờ)…

Anh Nguyễn Thanh Phúc, ở xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), thành viên HTX bò sữa Tân Thông Hội, là người đã gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa hơn 20 năm nay. Ban đầu, anh mua bốn con bò sữa về nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao do thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Ðược Hội Nông dân xã, huyện tổ chức cho đi tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả và tập huấn kiến thức, anh tự tin hơn và hiện nay, đàn bò sữa nhà anh đã phát triển gần 20 con, trong đó có 10 con trong thời gian cho khai thác sữa. Từ khi tham gia HTX bò sữa Tân Thông Hội, đầu ra sản phẩm sữa bò của gia đình anh luôn ổn định. Anh Phúc cho biết thêm: “Ðược công ty thu mua sữa ổn định, giá cả chấp nhận được, trừ chi phí, thức ăn, công lao động, gia đình tôi thu lãi từ đàn bò sữa hơn 200 triệu đồng/năm”.

Không dừng lại ở đó, từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân, anh Phúc đã mạnh dạn đầu tư hệ thống làm lạnh sữa để cung cấp sữa đông lạnh cho bà con. Làm giàu từ bò sữa, anh Phúc đã chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa cho nhiều nông dân trong xã, giúp nhiều hộ nông dân cùng làm giàu từ mô hình này...

Hiện nay, tại nhiều xã nông thôn ở TP Hồ Chí Minh, không ít nông dân đã vươn lên làm giàu như anh Nguyễn Thanh Phúc. Ðiều đó chứng tỏ, các chính sách, giải pháp tạo việc làm, phát triển kinh tế vùng nông thôn bền vững đã có tác động tích cực. Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Trần Trường Sơn cho biết thêm, UBND thành phố đã chỉ đạo các huyện, xã phối hợp các ngành liên quan thống kê nhu cầu lao động của người dân chưa có việc làm để hỗ trợ giải quyết, đồng thời tăng cường tuyên truyền các chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài và nhu cầu của doanh nghiệp (DN) tại thành phố giúp người lao động có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu và lựa chọn. Các huyện, xã cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu lao động, việc làm của DN để giới thiệu nguồn lao động của địa phương. Người lao động còn được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðến nay, gần 93% số lao động khu vực nông thôn ở TP Hồ Chí Minh đã có việc làm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 43,4 triệu đồng/người/năm...

NHẤT SƠN/ BÁO NHÂN DÂN